Hành vi nghe lén điện thoại: Hậu quả khôn lường

14:06 | 14/04/2015
Tình trạng xâm phạm bí mật đời tư trong đó có hành vi nghe lén điện thoại có xu hướng gia tăng về số lượng và nghiêm trọng về tính chất. Hậu quả của hành vi nghe lén ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, tài sản của nạn nhân và cả những người thân của họ.
Những khuyến cáo hữu ích để tránh bị nghe lén
Tràn ngập phần mềm nghe lén: Thị trường béo bở cần phải truy quét

Theo TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Tư pháp hình sự – Viện Nhà nước và pháp luật – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam): Để bảo vệ quyền bí mật đời tư, pháp luật có những cấp độ bảo vệ khác nhau như bảo vệ bằng Luật Dân sự. Thể hiện ở trách nhiệm bồi thương, bảo vệ bằng Luật Hành chính thông qua biện pháp xử lý hành chính và bảo vệ ở cấp độ cao nhất là bảo vệ bằng pháp luật hình sự. Trong BLHS có quy định tội này ở điều 125. Theo đó, người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

Hành vi nghe lén điện thoại: Hậu quả khôn lường
Công an kiểm tra phát hiện nhiều phần mềm nghe lén

Theo T.S Hưng, muốn ngăn chặn hành vi xâm phạm đời tư cá nhân thì phải tuyên truyền để trước hết công dân biết được quyền bất khả xâm phạm về bí́ mật đời tư, thư tín điện thoại để họ có thể chủ động tự bảo vệ quyền này, khởi kiện ra tòa án, hoặc tố giác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời tuyên truyền để công dân thấy hành vi nghe lén hay xâm phạm đời tư sẽ bị xử lý thậm chí xử lý hình sự. Tiếp theo đó là hoàn thiện pháp luật bởi pháp luật về lĩnh vực này còn sơ sài. Luật chưa có khái niệm bí mật đời tư nhưng thế nào là bí mật đời tư cũng cần phải làm rõ.

Hiện nay mới liệt kê một số các nguồn chứa bí mật đời tư như thư tín, điện thoại, điện tín… và xử lý hành vi này trong khi bí mật đời tư là rộng hơn. Tiếp theo đó là quy định chặt chẽ thủ tục nghe lén điện thoại nhằm phục vụ công tác điều tra trong pháp luật tố tụng hình sự. Bởi lẽ trong quá trình điều tra vụ án hình sự, việc nghe lén là cần thiết tuy nhiên phải tuân thủ đúng thủ tục. Ví dụ, về thẩm quyền chỉ tòa án mới cho phép nghe lén, thủ tục thu thập thông tin nghe lén, xử lý thông tin nghe lén, tiêu hủy thông tin nghe lén, chuyển hóa chứng cứ….

Luật chỉ quy định phải bồi thường hay bị xử lý hành chính hình sự khi xác định thiệt hại. Có thiệt hại tính được bằng tiền nhưng có thiệt hại vô hình nhưng lại rất nghiêm trọng đó là những thiệt hại về tinh thần. Về mặt pháp luật, cần mở rộng phạm vi các hành vi xâm phạm bí mật đời tư như mua bán thông tin về bí mật đời tư , cưỡng bức, đe dọa người khác cung cấp bí mật đời tư, hành vi buôn bán, cung cấp các thiết bị nghe lén… Hiện nhà nước đã có cơ sở pháp lý cao nhất là Hiến pháp và Luật Hình sự, vấn đề là các cơ quan có thẩm quyền cần chủ động hơn trong việc phát hiện, xử lý.

Tháng 6/2014, đoàn thanh tra liên ngành đã thanh tra tại Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, quận Thanh Xuân) và phát hiện công ty này kinh doanh phần mềm ptraker. Đây là phần mềm giúp người dùng có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật, tắt 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ dữ liệu sau khi được lấy từ điện thoại bị cài phần mềm đã được gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng.Tại đây, người của công ty có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó. Dù khách hàng có mua phần mềm hay chỉ cài bản dùng thử của phần mềm ptracker thì điện thoại đều bị chiếm quyền điều khiển. Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội, đã có trên 14.000 tài khoản bị cài phần mềm ptracker.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này