NSƯT Thanh Ngoan

Gia đình có thể giúp tài năng nhí tỏa sáng

14:09 | 14/04/2015
Thời gian qua, nhiều quán quân các chương trình truyền hình thực tế giành chiến thắng thuyết phục ở môn nghệ thuật truyền thống lại là các cô bé, cậu bé như Thiện Nhân, Phương Mỹ Chi, Đức Vĩnh. Tuy nhiên, làm thế nào để niềm đam mê nghệ thuật truyền thống của các em tiếp tục được nuôi dưỡng và phát huy sau mỗi cuộc chơi lại là điều không đơn giản. LĐTĐ đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.
NSƯT Thanh Ngoan: Cháy hết mình vì nghệ thuật  truyền thống
NSƯT Thanh Ngoan: Cháy hết mình vì nghệ thuật truyền thống

Cuộc trao đổi giữa tôi và chị liên tục bị gián đoạn bởi những khán giả đam mê âm nhạc truyền thống tìm đến Nhà hát chèo Kim Mã để thưởng thức tiếng hát chèo và chụp ảnh với người nghệ sĩ tài hoa này.

Được biết, nghệ sĩ đã hỗ trợ cho bé Đức Vĩnh người giành giải quán quân trong các phần thi Vietnam’s Got Talent vừa qua. Phải chăng do kinh nghiệm nghề nghiệp, bà đã nhận thấy tố chất từ cậu bé?

Tôi gặp Đức Vĩnh trong tiết mục hát chầu văn của chương trình Chiều cuối năm VTV. Sau đó, Đức Vĩnh và mẹ đến nhờ tôi tư vấn cho các tiết mục. Biết Vĩnh tuổi còn nhỏ và gia đình hoàn cảnh, tôi đã giúp đỡ hết sức có thể. Ở tiết mục “Cô đôi thượng ngàn”, vòng bán kết, tôi đã hát mẫu và chỉ dạy một số kỹ thuật trong việc hát chầu văn, cách diễn trên sân khấu cho bé. Đến trích đoạn “Xúy Vân giả dại’ ở vòng chung kết, tôi đã nhờ NSƯT Thúy Ngần giúp đỡ và chỉ dạy cho Vĩnh. NSƯT Thúy Ngần còn lo trang phục, hóa trang cho Vĩnh trước khi diễn.

Gia đình có thể giúp tài năng nhí tỏa sáng

NSƯT Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam Ảnh: Nguyễn Hoài

Ở trích đoạn cuối cùng “Ông già cõng vợ đi xem hội”, rất may chồng NSƯT Thúy Ngần là NS Ngọc Tuấn – giám đốc Nhà hát Tuồng VN nên Vĩnh được hỗ trợ tận tình từ trang phục đến người chỉ dạy. NS Kiều Oanh - người đã diễn thành công trích đoạn này cũng chỉ dạy thêm cho Đức Vĩnh.

Theo tôi, Đức Vĩnh là một cậu bé có đam mê bẩm sinh với nghệ thuật truyền thống. Em tiếp thu rất nhanh và có lợi thế là hát được cả hai giọng nam và nữ vì mới 8 tuổi chưa vỡ giọng. Vĩnh hát theo bản năng và ngẫu hứng thì rất tự nhiên nhưng khi rèn và gò theo đúng kỹ thuật thì không dễ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi giữa năng khiếu và sân khấu chuyên nghiệp luôn có khoảng cách. Vì thế, cần phải có thời gian dài đào tạo một cách bài bản thì mới tỏa sáng bền vững.

Vậy Nhà hát Chèo có nhận đào tạo Đức Vĩnh để trở thành nghệ sĩ chèo chuyên nghiệp?

Như trường hợp của Đức Vĩnh, nhà hát không có chế độ để đặc cách mà chỉ có thể giúp đỡ em trong luyện tập, khuyến khích động viên tham gia các phong trào.

Bởi nếu như các môn nghệ thuật khác như xiếc, múa cần sự dẻo dai nên cần đào tạo trẻ, nhưng những loại hình nghệ thuật sân khấu như tuồng, chèo thì lứa tuổi như Vĩnh chưa định hình. Nhiều cháu 8, 9 tuổi hát rất tốt nhưng sau 10 tuổi vỡ giọng hát lại khác. Giọng là yếu tố quan trọng trong hát. Song, đối với tuồng, chèo, cải lương,… độ tuổi đào tạo tốt nhất là học hết PTCS.

Nói như vậy thì còn phải mất vài năm nữa, Vĩnh mới được theo học bài bản nghệ thuật truyền thống, liệu có phí cho một tài năng nhí không?

Tôi thấy không có gì là phí. Đức Vĩnh không nhất thiết phải lên Hà Nội học chèo. Quê hương Vĩnh là nôi quan họ - di sản phi vật thể được UNESCO công nhận. Vĩnh nên hát quan họ trong thời gian này để cống hiến cho quê hương. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo sẽ giới thiệu cho em theo các câu lạc bộ, ươm mầm tài năng. Ngoài ra, nếu gia đình có điền kiện chuyển ra Hà Nội, nhà hát sẽ hỗ trợ trong công tác đào tạo. Vĩnh phải vừa học văn hóa, vừa học nghề. Nhưng tôi nghĩ trường hợp này rất khó vì tuổi Vĩnh còn quá nhỏ không thể xa nhà một mình được.

Gia đình và xã hội có trách nhiệm cùng đào tạo các tài năng nhí. Nếu các em đam mê, có thể tìm hiểu qua băng đĩa, tham gia các hoạt động tại các câu lạc bộ nhưng phải có định hướng. Phải theo đúng quy chuẩn không phải thích nghe, thích hát thế nào cũng được. Ở lứa tuổi các em, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Gia đình là trường học đầu tiên.

Thời gian qua, nhiều quán quân các chương trình truyền hình thực tế theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn giành chiến thắng thuyết phục, phải chăng có sự định hướng của người lớn, thưa nghệ sĩ?

Có định hướng của người lớn là đương nhiên nhưng để tỏa sáng phải do năng khiếu, niềm đam mê nghệ thuật của các em. Người lớn không quyết định được.

Vậy theo nghệ sĩ làm thế nào để giới trẻ kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống một cách tốt nhất?

Nghệ thuật truyền thống đã được đưa vào học đường. Với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, giáo dục truyền thống cần chỉ cho các em biết được xuất phát điểm của các loại hình truyền thống từ đâu.

Đất nước là nguồn còn văn hóa truyền thống là cội. Văn hóa truyền thống gắn liền với lịch sử. Đã có thời gian sử ta bị giới trẻ lãng quên. Người Việt không hiểu hết về sử Việt và văn hóa truyền thống cũng vậy. Giới trẻ không hiểu hết được giá trị vô giá của nó. Chúng ta phải tìm cách giáo dục song song giữa văn hóa truyền thống và lịch sử Việt Nam qua các tác phẩm sân khấu. Đầu tư vào học đường cần liên tục, thường xuyên và mang tính bền vững. Đã qua rồi thời kỳ đất nước nghèo đói, đây là thời điểm phát huy tốt nhất nghệ thuật truyền thống. Giáo dục hãy bắt đầu từ gia đình và nhà trường.

Nguyễn Hoài
(thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này