Thực hiện hiệu quả các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô

19:28 | 24/03/2025
Chiều 24/3, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô 2024: Cơ sở khoa học và thực tiễn".
Luật Thủ đô giúp Hà Nội xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề LĐLĐ thành phố Hà Nội quán triệt, triển khai Luật Thủ đô

Làm rõ các cơ sở khoa học và thực tiễn của các cơ chế đặc thù

Chủ trì, điều hành Hội thảo có PGS.TS Phạm Minh Anh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; TS Vũ Lộc An - Phó Hiệu trưởng; TS Lê Phương Linh - Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Hoàng Sơn dự hội thảo.

Báo cáo đề dẫn, TS Vũ Lộc An - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho hay, hội thảo được tổ chức với mục tiêu làm rõ các cơ sở khoa học và thực tiễn của các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô 2024; đánh giá tác động của những cơ chế này đối với sự phát triển của Thủ đô. Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các cơ chế đặc thù, bảo đảm sự phù hợp với bối cảnh thực tiễn và yêu cầu phát triển bền vững của Hà Nội.

Trình bày tham luận “Luật Thủ đô - Căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng Thủ đô Hà Nội vươn mình trong kỷ nguyên mới”, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương cho hay, căn cứ các văn bản chỉ đạo, kế hoạch công tác đã đề ra, Tổ công tác Luật Thủ đô đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan để rà soát xác định nhiệm vụ, chỉ đạo và cho ý kiến về nội dung, quy trình xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Thành phố chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương, tập trung vào việc xây dựng văn bản để kịp thời trình các kỳ họp của HĐND Thành phố theo kế hoạch...

Thực hiện hiệu quả các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô
Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô 2024: Cơ sở khoa học và thực tiễn".

Thành phố cũng đã trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng 6 nghị định của Chính phủ để quy định chi tiết những nội dung được giao trong Luật Thủ đô.

Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐND quy định về một số nội dung chi, mức chi xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô để bảo đảm về nguồn lực cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản...

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút và giữ chân nhân tài

PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính và Quản trị công cho rằng, trong các chính sách đột phá, vượt trội để phát triển thành phố Hà Nội, thì các quy định về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng với chế độ công vụ, công chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là những điểm nhấn chính sách quan trọng bậc nhất.

"Những chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả sẽ là đòn bẩy, là động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô", PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh nhấn mạnh.

Thực hiện hiệu quả các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tham luận về “Cơ chế đặc thù trong các quy định của pháp luật Thủ đô về công tác sử dụng cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô hiện nay”, TS Tăng Thị Thu Trang, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, Luật Thủ đô có vai trò quan trọng trong xây dựng, quản lý, phát triển, bảo vệ Thủ đô, với nhiều chính sách đặc thù, đột phá, vượt trội, là bệ phóng, là cơ hội vàng cho Thủ đô phát triển lên tầm cao mới.

Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định nhiều cơ chế đặc thù trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó quy định những đặc thù trong công tác sử dụng cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô hiện nay.

Cụ thể như cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn là cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hằng năm cho cấp huyện, được bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố, thuộc UBND cấp huyện.

Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc Thành phố quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc...

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô năm 2024 quy định Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức...

Theo TS Tăng Thị Thu Trang, các chính sách đặc thù, vượt trội trong Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút và giữ chân nhân tài. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, tạo môi trường và đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho đội ngũ trí thức, người có tài năng phát huy và đóng góp trí tuệ của mình đối với sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này