Từ 1/3, Bộ Tư pháp có 20 đơn vị trực thuộc, giảm 5 đơn vị

16:30 | 27/02/2025
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2025/NĐ-CP ngày 26/2/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Theo đó, từ 1/3, Bộ Tư pháp sẽ có 20 đơn vị trực thuộc, giảm 5 đơn vị so với hiện nay.
Bổ nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp Chuyển giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp từ Bộ Tư pháp về Bộ Công an

Theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; công tác pháp chế; quản lý Nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.

Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như trình Chính phủ dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm đã được phê duyệt và các dự án, đề án khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trình Chính phủ dự thảo chiến lược, đề án xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; thẩm định, tham gia xây dựng, góp ý đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định pháp luật và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; thông báo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về danh mục các nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết...

Từ 1/3, Bộ Tư pháp có 20 đơn vị trực thuộc, giảm 5 đơn vị
Từ 1/3, Bộ Tư pháp có 20 đơn vị trực thuộc. Ảnh: Bộ Tư pháp

Về tổ chức thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ các biện pháp để tổ chức thi hành pháp luật theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện các công tác: phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; theo dõi việc thi hành pháp luật; xử lý vi phạm hành chính; tiếp cận thông tin; hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiêp cận pháp luật theo quy định pháp luật...

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành; kiến nghị xử lý đối với các văn bản trái pháp luật theo quy định pháp luật.

Sau sắp xếp, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp gồm 20 đơn vị: Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Vụ Pháp luật quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Thanh tra bộ; Văn phòng bộ; Cục Quản lý thi hành án dân sự; Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính; Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý; Cục Hành chính tư pháp; Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước; Cục Bổ trợ tư pháp; Cục Kế hoạch - Tài chính; Cục Công nghệ thông tin; Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý; Học viện Tư pháp; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; Báo Pháp luật Việt Nam.

Như vậy, so với Nghị định 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tư pháp giảm 5 tổ chức. Trong đó, chức năng quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp được chuyển giao cho Bộ Công an thực hiện.

Các tổ chức từ 1 đến 16 là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; các tổ chức từ 17 đến 20 là các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước thuộc Bộ.

Theo Nghị định, Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có 3 phòng, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính có 3 phòng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế có 4 phòng, Vụ Pháp luật quốc tế có 4 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 3 phòng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ.

Nghị định cũng nêu rõ, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật cho đến khi Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này