Bảo vệ bản thân trong mùa cúm

08:17 | 21/02/2025
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng mạnh, đặc biệt là trong thời tiết chuyển mùa. Nhiều trường hợp diễn tiến nghiêm trọng, nhất là với các trường hợp người già, trẻ nhỏ và người có sức đề kháng yếu.
Không chủ quan trước những biến chứng nguy hiểm của cúm A Đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm Cảnh giác biến chứng cúm mùa

Theo các chuyên gia, tình trạng thời tiết ẩm ướt, thay đổi nhiệt độ đột ngột là điều kiện lý tưởng cho các loại virus cúm phát triển, lây lan. Tuy vậy, nhiều gia đình chủ quan hoặc thiếu các kiến thức liên quan về cúm khiến việc điều trị cho người bệnh không đúng lúc, kịp thời, rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Ghi nhận tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, từ 2024 đến nay, bệnh viện đã và đang điều trị nhiều ca bệnh cúm mùa. Trong những ngày trời trở lạnh, mưa ẩm thất thường, các ca bệnh có chiều hướng gia tăng.

Bảo vệ bản thân trong mùa cúm
Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh cúm trở nặng.

Cụ thể với trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị M. (89 tuổi, Nam Định) được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một nặng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp thấp và phổi kém. Khi ở nhà, con cháu của người bệnh chủ quan cho rằng cụ chỉ bị bệnh cảm thông thường nên điều trị tại nhà bằng các loại thuốc không kê đơn. Sau 2 ngày thấy bệnh không có tiến triển tốt mà ngày càng trở nặng hơn, người nhà cho bệnh nhân nhập viện và xin chuyển thẳng lên tuyến trên để điều trị. Bệnh nhân phải thở ôxy và nằm viện điều trị hơn 10 ngày.

Không chỉ với người cao tuổi, người có bệnh mạn tính,… mà trẻ nhỏ cũng rất dễ gặp phải các biến chứng khi bị bệnh cúm. Gia đình chị Ngân có một bạn nhỏ 6 tuổi bị mắc cúm A, gia đình cho cháu uống thuốc tại nhà nhưng vẫn sốt cao 39 độ C không dứt. Khi tới khám bệnh tại bệnh viện thì mới biết cháu bị cúm A. Theo các bác sĩ, trường hợp của cháu may mắn đã đến bệnh viện kịp thời, nếu để thời gian kéo dài hơn nữa có khả năng bệnh cúm sẽ biến chứng, khiến bệnh nhi có thể viêm phổi hoặc co giật.

Bảo vệ bản thân trong mùa cúm
Người dân ngồi chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo dược sĩ Nguyễn Ngọc Diệp, điều quan trọng nhất là người dân cần phân biệt được cảm thông thường với các loại cúm A, B để có cách xử lý phù hợp. Nhiều người thường không phân biệt được rõ ràng bệnh cảm thông thường với cúm do virus gây ra do những triệu chứng không rõ rệt những ngày đầu, do đó có thể bỏ qua thời gian thăm khám điều trị tốt nhất.

Bản chất của cảm thông thường là do vi khuẩn gây ra. Khi cơ thể bạn yếu đi, sức đề kháng suy giảm khiến các loại vi khuẩn tấn công và gây ra cảm, có các triệu chứng như sổ mũi, ho, sốt nhẹ.

Trong khi đó, cúm A, B là do các loại virus cúm gây ra, triệu chứng thường nặng hơn như sốt cao liên miên không dứt, ho, khó thở. Cơ thể chúng ta có thể tự đề kháng và tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus, nhưng với những người có hệ miễn dịch yếu, người già, trẻ nhỏ thì cần thiết phải có thuốc kê đơn của bác sĩ.

Đối với bệnh cảm thông thường, triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể dùng các loại thuốc điều trị cảm không kê đơn bán phổ biến trên thị trường như Tiffi, Decolgen, Panadol để điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi xuất hiện các dấu hiệu sốt cao nhiều ngày không hạ, khó thở, cần phải đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.

Dược sĩ Ngọc Diệp cũng lưu ý thêm, vào các giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, thời tiết thường xuyên thay đổi đột ngột, làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Người dân có thể đề phòng và tự bảo vệ bản thân bằng cách đi tiêm định kỳ vắc xin ngăn ngừa cúm, hoặc mua các bộ test nhanh để phân biệt cúm A/B và Covid-19 có bán phổ biến ở các hiệu thuốc và nhà cung cấp thiết bị y tế trên toàn quốc.

Tuy thế, cũng cần lưu ý rằng, các loại cúm A/B và cảm thông thường có thể diễn ra quanh năm chứ không chỉ riêng vào các thời điểm giao mùa. Hãy có ý thức tự giác bảo vệ bản thân và người nhà để có một môi trường sống khỏe mạnh.

Khuyến cáo của Bộ Y Tế để phòng ngừa bệnh cúm:

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;

Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng;

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi);

Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết;

Tiêm Vaccine cúm mùa phòng bệnh;

Thực hiện lối sống lành mạnh: Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Kim Quyên - Phương Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này