Dạy thêm, học thêm: Cần thay đổi nhận thức từ nhiều phía

11:06 | 20/02/2025
Kể từ khi “ra đời” cho đến hiện tại khi đã chính thức có hiệu lực, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Để Thông tư đi vào thực tiễn và có hiệu quả, việc triển khai đồng bộ các giải pháp là cần thiết, trong đó quan trọng là sự thay đổi về nhận thức.
8 điểm mới về dạy thêm, học thêm Yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm Giải pháp đột phá trong quản lý dạy thêm, học thêm

Những ngày đầu thực thi

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025 với nhiều điểm mới được cho là mang tính đột phá, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được kỳ vọng sẽ đưa việc dạy thêm, học thêm cả ở trong và ngoài trường học vào nền nếp, tránh việc học sinh “buộc phải tự nguyện” học thêm.

Ghi nhận trong tuần đầu thực thi, các đơn vị, nhà trường cơ bản đều chấp hành nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm. Tại Trường Trung học phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), trước khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực, nhà trường đã quán triệt tới tất cả giáo viên trong trường 3 “không” (không tổ chức dạy thêm trong trường, không dạy thêm ngoài trường học sinh do mình giảng dạy, không tổ chức quản lý dạy thêm ngoài trường) cùng 2 “có” (bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia đội tuyển của trường, tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho học sinh năm nay thi tốt nghiệp để đạt kết quả tốt). Hai nội dung này, nhà trường chi trả kinh phí theo quy chế chi tiêu nội bộ. Dù mức chi trả không cao nhưng giáo viên ủng hộ và nhiệt tình tham gia.

Dạy thêm, học thêm: Cần thay đổi nhận thức từ nhiều phía
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tích cực đến chất lượng giáo dục, điều chỉnh hành vi của học sinh và giáo viên.

Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Linh Đàm (quận Hoàng Mai), nhà trường cũng đã gửi tới phụ huynh học sinh thông báo về việc điều chỉnh các hoạt động từ ngày 14/2. Theo đó, học sinh toàn trường nghỉ học ôn tập, bổ sung kiến thức các môn văn hóa ngoài giờ chính khóa. Riêng đối với học sinh lớp 9, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập không thu tiền đối với các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/môn/tuần. Thời khóa biểu sẽ được thông báo sau khi nhà trường tiếp nhận đơn đăng ký của học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít băn khoăn. Anh Lê Đăng Định (phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Từ đầu học kỳ 2, nhà trường đã dừng tổ chức dạy học tăng cường cho học sinh trong trường, thực hiện theo quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Con đang học lớp 11 nên tôi lo việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào năm sau của con”.

Chị Trần May Linh (phụ huynh học sinh một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa) cho biết: “Con tôi đang học lớp 1. Con chậm nhớ, chậm tiếp thu nên ngay từ đầu năm học tôi đã gửi con cho cô giáo chủ nhiệm để cô kèm cặp thêm vào một số buổi tối trong tuần. Tuy nhiên, một tuần nay, cô đã dừng việc dạy thêm cho con vì sợ bị phạt theo quy định mới. Tôi cũng đã trao đổi với cô là tạm thời chuyển sang học online và sẽ gửi học phí cho cô theo hình thức “tri ân, cảm ơn” nhưng cô đã từ chối vì lý do dạy thêm cho học sinh mà nhận tiền “tri ân, cảm ơn” cũng là một hình thức dạy thêm có thu phí, trái với quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Tôi lo con sẽ không theo kịp các bạn trên lớp”.

Tạo môi trường giáo dục lành mạnh, hiệu quả

Vấn đề dạy thêm, học thêm lâu nay luôn là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Dù còn nhiều băn khoăn đối với quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT nhưng mục tiêu cuối cùng đó là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy học trong nhà trường, hướng tới việc xây dựng môi trường giáo dục giúp học sinh phát triển toàn diện.

3 điểm mới chính của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT gồm: Thứ nhất, không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Thứ hai, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm vì về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thứ ba, đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật. Giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng) cho rằng, việc dạy thêm, học thêm bấy lâu nay đang làm “xói mòn” khả năng tự học của học sinh. Trách nhiệm của các nhà trường là hướng dẫn học sinh cách tự học. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có thể được coi là “phép thử” để buộc các trường phải thay đổi, dù có thể còn một số khó khăn trước mắt.

Năm học 2024 - 2025, Hà Nội tiếp tục là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.900 trường học, 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên. Với mục tiêu vì quyền lợi học sinh, bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo, Sở GD&ĐT Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ sở phải thông tin kịp thời về Sở thông qua Phòng Giáo dục trung học.

Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm để trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa dạy thêm, học thêm vào nền nếp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. Ngoài ra, nhằm tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho học sinh ôn tập...

Phạm Thu Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này