Tòa án kiến nghị nhiều vấn đề trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm

07:42 | 13/04/2024
(LĐTĐ) Ngoài án tử hình dành cho bị cáo Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và hàng loạt án tù khác dành cho 85 bị cáo còn lại, Tòa án nhân dân (TAND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) còn kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng trong vụ án đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Có bao nhiêu đối tượng bỏ trốn trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm? Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình Thêm 3 án chung thân trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm

Tuyên buộc bồi hoàn hàng trăm nghìn tỷ đồng

Về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, xử lý tài sản kê biên phong tỏa trong vụ án, TAND TP.HCM tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho Ngân hàng SCB số tiền gần 673.850 tỷ đồng; buộc bị cáo Dương Tấn Trước (sinh năm 1983, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMSX Tường Việt) phải bồi hoàn tiếp cho Ngân hàng SCB hơn 692 tỷ đồng; buộc bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1982, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty dầu khí Phương Đông) và Công ty dầu khí Đông Phương phải bồi hoàn lại 443 tỷ đồng cho ngân hàng SCB.

Tòa án kiến nghị nhiều vấn đề trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình.

Chuyển số tiền 300 tỷ đồng mà ông Nguyễn Văn Hảo đã nộp khắc phục cho bị cáo Trương Mỹ Lan cho ngân hàng SCB để khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án; buộc bị cáo Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang) nộp lại số tiền 1.000 tỷ đồng, bị cáo Dương Tấn Trước phải nộp lại số tiền hơn 2.204 tỷ đồng, số tiền này sẽ được khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.

Tịch thu 4,8 triệu USD đã thu của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (sinh năm 1966, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) và buộc bị cáo phải nộp tiếp số tiền Việt Nam đồng tương đương 400.000 USD để tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước; giao cho Ngân hàng SCB tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp cho Ngân hàng SCB để đảm bảo cho 1.243 khoản vay, hợp đồng tín dụng còn nghĩa vụ nợ trong vụ án.

Buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là 2.882 tỷ đồng; Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát phải nộp lại số tiền 2.355 tỷ đồng; Công ty Phú An, bà Phan Thị Phương Thảo nộp lại số tiền 145 tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC; Công ty TNHH MTV Phát triển và kinh doanh nhà hoàn trả số tiền 400 tỷ đồng; Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền 6.095 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.

Tiếp tục kê biên đối với 76 bất động sản tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, giao cho C03 - Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ xử lý liên quan đến hành vi sai phạm của một số đối tượng đứng tên hộ tài sản cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Tiếp tục kê biên đối với 16 bất động sản tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (diện tích khoảng 1ha thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển), giao C03 – Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Giao lại 143 bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.

Mở rộng điều tra giai đoạn 2

Ngoài phần xử lý vật chứng, xử lý tài sản kê biên phong tỏa, TAND TP.HCM còn kiến nghị hàng loạt vấn đề quan trọng của vụ án. Theo đó, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản (nếu có) đối với bị cáo Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành và Nguyễn Ngọc Dương.

Tòa án đã kiến nghị gì trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm?
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (ngoài cùng bên phải), cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước bị tuyên án chung thân về tội “Nhận hối lộ” 5,2 triệu USD.

TAND TP.HCM đề nghị C03 - Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 cần tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại Ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan, nếu đủ căn cứ thì xem xét xử lý theo đúng quy định; tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản của 5 bị cáo truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bi cáo Trương Mỹ Lan.

Kiến nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ dòng tiền hơn 108.000 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả; tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan (hoặc cá cá nhân, tổ chức cho Trương Mỹ Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch trên nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn 2 theo quy định.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp cũng như ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, tái cơ cấu, thanh tra và giám sát đối với các tổ chức tín dụng để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan có quy định kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, nhưng vẫn khuyến khích, tạo động lực để phát triển kinh tế như chủ trương của Chính phủ đề ra. Kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trong công tác kiểm toán. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có quy định chi tiết các điều kiện về tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay có khả năng thu hồi.

Xuân Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này