Năm 2024 sẽ dùng AI để tầm soát bệnh tim, mạch, thận

21:52 | 05/04/2024
(LĐTĐ) Ngày 5/4, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp một số đơn vị tổ chức Chương trình Ngày sức khỏe thế giới, Ngày thận thế giới; phát động tầm soát bệnh tim, mạch, thận.
Thủ đô Hà Nội đạt nhiều thành tựu to lớn qua 40 năm đổi mới Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự lễ khởi công xây nhà ở cho hộ nghèo Vận hành nhà máy điện rác vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tham dự chương trình có đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; các y sĩ, bác sĩ trẻ, thanh niên tình nguyện và hơn 1.000 người dân.

Dùng AI khám sàng lọc bệnh tim mạch và bệnh thận mạn
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình tầm soát bệnh tim, mạch, thận.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh thận mạn - bệnh không lây nhiễm, thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.

Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước. Cùng với đó, chi phí y tế liên quan đến điều trị bệnh thận mạn cao.

Tại chương trình, Ban tổ chức khám bệnh, sàng lọc cho 1.000 người dân có nguy cơ bệnh lý về tim mạch và bệnh thận mạn. Đồng thời, hỗ trợ cài phần mềm chăm sóc sức khỏe, kiểm soát bệnh mạn tính cho hàng trăm người dân.

Dùng AI khám sàng lọc bệnh tim mạch và bệnh thận mạn
Các y, bác sĩ khám sàng lọc cho người dân.

Dự kiến trong năm 2024, hàng trăm nghìn người dân sẽ được sàng lọc qua nền tảng ứng dụng AI và hơn 20.000 người bệnh sẽ được tư vấn thực hiện xét nghiệm eGFR/ACR, đánh giá bệnh thận mạn.

Phát biểu tại chương trình, TS.BS Hà Anh Đức, Chủ tịch Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn hiện nay còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, chỉ có 4,5-15,5% bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 3 được chẩn đoán.

“Các chương trình của Hội Thầy thuốc trẻ và đơn vị đối tác sẽ tập trung huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị để cùng nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua các công cụ kỹ thuật số; hướng tới một nền y tế bền vững, vì Việt Nam và thế giới khỏe mạnh…”, TS.BS Hà Anh Đức nói.

Dùng AI khám sàng lọc bệnh tim mạch và bệnh thận mạn
Ban tổ chức trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Để động viên tinh thần, tiếp thêm nguồn lực cho gia đình những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính có hoàn cảnh khó khăn, Ban tổ chức đã trao 10 suất quà (gồm quà tặng và 2 triệu đồng tiền mặt) cho gia đình các bệnh nhân.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này