Mức phạt hành chính khi vi phạm giao thông đối với học sinh

11:51 | 30/03/2024
(LĐTĐ) Tình trạng học sinh vi phạm về an toàn giao thông vẫn diễn ra. Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều thanh, thiếu niên mặc đồng phục học sinh cấp 2, cấp 3 điều khiển xe máy đi học. Hầu hết, những học sinh ở độ tuổi này chưa đủ điều kiện để lái xe máy từ 50cm3 trở lên.
Nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh Tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh

Vào các khung giờ cao điểm, không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh không đội mũ bảo hiểm. Nhiều em chưa đủ 18 tuổi vẫn điều khiển xe máy dung tích trên 50cm3. Nhiều em chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy dung tích dưới 50cm3, điều khiển xe máy điện (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mới được phép điều khiển xe máy có dung tích dưới 50cm3, kể cả xe máy điện). Thậm chí, nhiều học sinh còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, nô đùa trên nhiều tuyến phố...

Mức phạt hành chính khi vi phạm giao thông đối với học sinh
Nhiều em học sinh chưa đủ 18 tuổi vẫn điều khiển xe máy dung tích trên 50cm3.

Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến tại nhiều trường học, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 16-18 tuổi) xảy ra 881 vụ, làm chết 90 người, bị thương 827 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý, nhà trường đã giáo dục và tuyên truyền tới các em học sinh nhưng tình trạng này dường như không có nhiều chuyển biến. Học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe là vấn nạn được dư luận đặc biệt quan tâm.

Mức phạt hành chính khi vi phạm giao thông đối với học sinh
Đủ lý do học sinh biện minh cho hành vi vi phạm khi tham gia giao thông.

Từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, học sinh chưa đủ độ tuổi quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 mà điều khiển các loại xe mô tô, xe gắn máy như phân tích ở trên thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, căn cứ Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì phạt cảnh cáo với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới. Cụ thể: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên.

Như vậy, đối với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất là cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng với hành vi này.

Đối với người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên.

Mức phạt hành chính khi vi phạm giao thông đối với học sinh
Cảnh sát giao thông tuyên truyền luật giao thông cho học sinh.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, tất cả những trường hợp vi phạm, theo quy chế phối hợp với ngành Giáo dục đều được đơn vị gửi thông báo về trường nơi các em đang học tập để giáo dục.

Ngoài việc tăng cường xử lý vi phạm, từ đầu năm 2024 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền hơn 30 buổi tại các trường học với trên 17.208 học sinh, 2.687 giáo viên tham gia; đồng thời, tổ chức cho hơn 5.000 lượt học sinh, giáo viên ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông...

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này