Hà Nội: UBND phường có không quá hai Phó Chủ tịch

12:05 | 17/02/2024
Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại thành phố Hà Nội, phường loại I và loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch, phường loại III có 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường.
Từ 15/2/2024: Người lao động được đề nghị hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp Áp dụng phương thức đối tác công tư để phát triển văn hóa, thể thao

Chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Trong đó, dự thảo đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức... của UBND phường, đảm bảo bộ máy tinh gọn, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị.

Theo dự thảo Luật, chính quyền địa phương tại thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương, gồm Hội đồng nhân dân và UBND; chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thủ đô.

UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Chủ tịch UBND phường quyết định chi từ khoản chưa phân bổ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Thủ đô, định kỳ báo cáo UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội để báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

UBND phường có nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với UBND quận, thị xã; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp xã; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý.

Hà Nội: UBND phường có không quá hai Phó Chủ tịch
Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Đồng thời, đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn theo phân cấp quản lý; chỉ đạo Công an phường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự, an toàn xã hội; thực hiện chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; chủ trì hoặc phối hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

UBND phường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và tổ chức thực hiện việc bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội; ủy quyền của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, UBND phường có nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trên địa bàn phường; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của UBND, Chủ tịch UBND phường, trừ quy định tại khoản 2 Điều 36 và Điều 63 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Đáng lưu ý, dự thảo Luật nêu rõ, UBND phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, UBND phường gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. Phường loại I và loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch, phường loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường là công chức.

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường.

Chủ tịch UBND phường trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền; quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND phường; ký và chịu trách nhiệm về các văn bản của UBND phường với chức danh Chủ tịch, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở phường.

Cũng theo dự thảo Luật, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của UBND phường, chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường; thể thức văn bản của UBND phường; việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức ở phường.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này