Hàng hóa Tết đa dạng, người dân tấp nập mua sắm

11:38 | 05/02/2024
(LĐTĐ) Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, những ngày này tại các Trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị bán lẻ, người dân Thủ đô và các vùng phụ cận đã tấp nập đổ xô về mua sắm, khiến nhiều quầy, kệ tại các siêu thị chật cứng.
HĐND Thành phố khảo sát công tác cung ứng hàng hoá dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa dịp Tết Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa Tết

Hàng hóa đa dạng

Ghi nhận của phóng viên tại một số hệ thống siêu thị lớn ở Thủ đô Hà Nội như: Tops Market, Go! BigC; Aeon Mall; Co.opmart/Co.opXtra; WinMart... cho thấy, các mặt hàng Tết năm nay rất phong phú về chủng loại, mẫu mã. Cùng đó, nhằm kích cầu mua sắm, hầu hết các hệ thống siêu thị đều đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ 30 - 50% với các mặt hàng sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, hàng thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống; thậm chí, nhiều mặt hàng được khuyến mãi lên đến 100%.

Hàng hóa Tết đa dạng, người dân tấp nập mua sắm
Người dân mua sắm đông đúc tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long.

Đáng nói, theo báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, dịp Tết Giáp Thìn 2024, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước mắm đều có xuất xứ Việt Nam và được trưng bày từng khu riêng biệt để người tiêu dùng dễ lựa chọn; số lượng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong nước phục vụ Tết được ghi nhận lên đến 90%.

Bên cạnh đó, tại các Trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp đều có những khu vực trưng bày giỏ quà Tết riêng, được trang trí bắt mắt với nhiều mặt hàng, nhiều mức giá khác nhau. Theo đó, giỏ quà Tết từ bình dân đến cao cấp có mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/giỏ.

Hàng hóa Tết đa dạng, người dân tấp nập mua sắm
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại hệ thống siêu thị WInmart.

Chia sẻ với phóng viên Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc WinCommerce, phụ trách chuỗi siêu thị Winmart, cho biết, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp từ 3 tháng trước. Theo đại diện WinCommerce, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, năm nay, WinCommerce tập trung vào nhóm hàng có giá bình quân khá thấp để đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhiều khách hàng hơn.

Đặc biệt, WinCommerce cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm như “mua 2 tặng 1”, “mua 1 tặng 1”, trong đó có những chương trình dành cho nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu như thịt heo, rau củ… với ưu đãi giảm giá lên đến 20%.

Hàng hóa Tết đa dạng, người dân tấp nập mua sắm
Hàng hóa Tết có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam dịp Tết Nguyên đán rất đa dạng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, năm nay, chuỗi siêu thị Winmart sẽ mở cửa đến 12h trưa 30 Tết và mở lại vào mùng 4 Tết. Bên cạnh đó, thời gian mở cửa hàng ngày cũng được kéo dài đến 23h để người dân thuận tiện mua sắm hơn.

Đề cập đến công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, cũng như việc triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng những ngày cuối năm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, cho biết, đơn vị đã làm việc với các nhà cung ứng và cam kết sản lượng nguồn hàng tăng 20%, từ đó đảm bảo ổn định giá cả.

Theo ông Tuấn, năm nay, người dân tập trung vào các sản phẩm giá cả phải chăng, các sản phẩm Việt Nam. Nắm bắt nhu cầu này, phía siêu thị cũng triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá ngày cuối tuần, khóa (không tăng giá) giá 10.000 sản phẩm trong giai đoạn 45 ngày Tết (từ ngày 28/12 đến hết ngày 9/2), cùng với đó là các chương trình khuyến mãi hấp dẫn khác.

Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu

Có thể thấy, với kế hoạch chuẩn bị hàng hóa chủ động từ các sở, ngành, các doanh nghiệp, mặc dù những ngày cuối tuần tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ ở Thủ đô người dân đến mua sắm hàng hóa Tết rất đông đúc; tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ và đa dạng giúp người dẫn yên tâm mua sắm. Qua tham khảo giá, đa số khách hàng nhận xét hàng hóa phục vụ Tết rất phong phú, giá cả khá ổn định. Mặt khác, đa số hàng hóa bán đều do doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong nước sản xuất và có tem nhãn, xuất xứ rõ ràng. Chính điều này giúp người tiêu dùng an tâm khi mua sắm, không sợ hàng giả, hàng trôi nổi.

Hàng hóa Tết đa dạng, người dân tấp nập mua sắm
Các mặt hàng thiết yếu như rau xanh luôn là lựa chọn của người tiêu dùng trong dịp Tết.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết, do phải đi làm cả tuần nên cuối tuần cả gia đình chị mới tranh thủ đi sắm Tết. “Năm nay hàng hóa rất đa dạng, mẫu mã bắt mắt. Đặc biệt, năm nay tôi thấy các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam chiếm số lượng lớn, nguồn gốc rõ ràng, nên rất yên tâm mua sắm. Cùng đó, các mặt hàng trong nước và nhập khẩu cũng được các siêu thị phục vụ với mức giá rất tốt, với các chương trình khuyến mại sâu tới người tiêu dùng và phủ sóng ở tất cả các phân khúc thị trường từ phân khúc cao đến thấp”, chị Nguyệt cho hay.

Nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, từ tháng 9/2023, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; trong đó đã xác định nhóm hàng, dự báo khả năng cung ứng, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu trong 3 tháng trước, trong và sau Tết và hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng Kế hoạch, ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân.

Hàng hóa Tết đa dạng, người dân tấp nập mua sắm
Gạo, thịt lợn, thực phẩm chế biến... tại các siêu thị luôn hút khách mua sắm.

Theo đó, Sở đã xác định các nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gồm các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến; rau củ, trái cây tươi. Bên cạnh đó, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết được xác định, gồm: Nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy…

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 - 25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023 sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỉ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%).

Hàng hóa Tết đa dạng, người dân tấp nập mua sắm
Hàng hóa Tết đa dạng, người dân tấp nập mua sắm tại siêu thị.

Cũng để chủ động nguồn hàng, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở thường xuyên triển khai các hoạt động kết nối cung cầu giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để hỗ trợ các đơn vị phân phối trên địa bàn tạo nguồn hàng hóa ổn định, chất lượng phục vụ nhân dân.

Cụ thể, trong năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức khoảng 40 hoạt động giao thương kết nối trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành… Cùng đó, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm thường xuyên, liên tục cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị hàng trăm ngàn tấn sản phẩm hàng hoá, ước tổng giá trị khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với thực hiện Tết năm 2023.

Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2024 này, đã có hơn 1.300 điểm bán hàng của các đơn vị phân phối, bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng trở lại phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết, từ mùng 6 Tết trở đi các hệ thống hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này