ADB ưu tiên hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, kinh tế số

14:11 | 24/01/2024
(LĐTĐ) Trong nhiều năm qua, Vụ Đông Nam Á Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) luôn là đối tác quan trọng hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua cung cấp các tư vấn chính sách và nguồn lực tài chính. Trong lĩnh vực tài chính công, ADB đã cung cấp kịp thời các tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực, qua đó, góp phần quan trọng giúp Bộ Tài chính hoàn thiện thể chế và công cụ quản lý tài chính công.
ADB đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh nhờ kiểm soát thành công Covid-19 ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong năm 2023

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận vừa có buổi tiếp và làm việc với ông Winfried Wicklein - Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng đoàn công tác. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2026, danh mục dự án dự kiến của ADB tại Việt Nam gồm 23 Dự án, với tổng giá trị gần 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc có thể huy động vốn vay trong giai đoạn này có đạt được hay không phụ thuộc lớn vào tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước của các dự án. Bộ Tài chính hy vọng ADB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam để có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo hài hòa lợi ích của hai bên, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đàm phán, ký kết các khoản vay cho dự án đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt sử dụng vốn vay ADB.

ADB ưu tiên hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, kinh tế số
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: HT)

Ông Winfried Wicklein cho rằng, việc huy động vốn vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tính sẵn sàng và ưu tiên của dự án cũng như phù hợp với quy định pháp luật của các bên. Ông Winfried Wicklein khẳng định, ADB sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam để thực hiện các nội dung này. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính luôn phối hợp tốt với ADB để có nhiều hỗ trợ thực chất cho Việt Nam.

Hiện nay, ADB đã có nhiều cải cách, trong đó, đã phê duyệt khung an toàn vốn nhằm tăng cường khả năng cho vay của ADB với các quốc gia so với trước đây. Trong khu vực ASEAN, ADB cũng đang có một số khoản vay hỗ trợ chính sách cho các quốc gia trong việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu, phát triển các ngành, lĩnh vực,… ADB mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này để thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Tấn Cận cũng cho biết, trong Chiến lược đối tác quốc gia của ADB giai đoạn 2023 - 2026, các ưu tiên hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam tương đối phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Thứ trưởng tin tưởng ADB và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục trao đổi, hợp tác để giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là các dự án gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cần một nguồn lực tài chính rất lớn. Bên cạnh nỗ lực huy động các nguồn lực trong nước, Bộ Tài chính mong muốn huy động thêm các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB; mong muốn ADB tiếp tục quan tâm hỗ trợ để Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn vốn với mức độ ưu đãi cao nhất. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này