“Tháo gỡ” khó khăn xây dựng thành phố thông minh

21:35 | 29/11/2023
(LĐTĐ) Hà Nội đang chịu áp lực lớn giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm Thủ đô. Trong khi Thành phố phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: Dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng, những vấn đề bất cập do hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp, thoát nước, xử lý ngập nước…
Tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh Dữ liệu số là tài nguyên để xây dựng thành phố thông minh Nguyên tắc xây dựng thành phố thông minh là phục vụ nhu cầu của cư dân

Những bài toán đặt ra ở Thủ đô

Chiều 29/11, trong khuôn khổ hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023" đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.

Chia sẻ tại tọa đàm về những bài toán đang cần lời giải để xây dựng thành phố thông minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, Hà Nội là Thủ đô cả nước, dân cư cơ học khoảng trên 10 triệu dân, là nơi tập trung nhiều trường học, cơ sở văn hóa, di tích lịch sử… Do vậy, việc chuyển đổi số là vô cùng cần thiết.

“Tháo gỡ” khó khăn xây dựng thành phố thông minh
Chiều 29/11, trong khuôn khổ hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023" đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.

Trong năm 2023, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số; đặc biệt là sự tiên phong của lãnh đạo UBND Thành phố với tư duy rất quyết đoán và quyết liệt đã giúp quá trình chuyển đổi số có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, với dư địa phát triển, nhu cầu thiết yếu của người dân thì tiến trình chuyển đổi số của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành khác. Trong năm qua, quá trình triển khai đô thị thông minh, chuyển đổi số của Hà Nội gặp một số khó khăn thách thức, nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. So với những yêu cầu đặt ra, nhu cầu của Thành phố thì việc xây dựng thành phố thông minh vẫn còn khiêm tốn.

Cũng theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, khó khăn ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số của thành phố Hà Nội là nhận thức và sự quyết tâm tại một số cơ sở còn chưa quyết liệt. Ngoài ra, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, nếu được ủng hộ thì tiến trình sẽ được diễn ra nhanh hơn và thực chất hơn. Bên cạnh đó, vấn đề dữ liệu còn chưa tập trung, chưa được chia sẻ kết nối…

Trung bình một năm Hà Nội phát sinh 4 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, gấp nhiều lần so với các tỉnh thành khác; xử lý khoảng hơn 1.800 thủ tục hành chính. Hà Nội đang quyết tâm thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giảm thiểu việc đi lại của người dân và tăng cường minh bạch, phòng ngừa tham nhũng.

“Thách thức lớn nhất là người dân phải tham gia vào dịch vụ công trực tuyến. Muốn vậy, người dân phải có kỹ năng số và cũng mong muốn tham gia vào dịch vụ công. Vừa qua, Hà Nội đã miễn lệ phí một số dịch vụ công cho người dân. Tới đây, Hà Nội sẽ để cán bộ công chức đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tuyên truyền cho người xung quanh về các tiện ích khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, ông Cù Ngọc Trang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang xây dựng vị trí việc làm cho bộ phận cán bộ một cửa, làm sao tạo hình ảnh thân thiện của cán bộ với người dân; xây dựng hệ thống giải quyết thủ tục hành chính phải thông minh, tiện ích cho người dân, tránh rườm rà; tái cấu trúc và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc tái sử dụng các kết quả thủ tục hành chính để làm sao giảm thiểu thủ tục, tạo thuận tiện cho người dân.

Hà Nội cũng đang xây dựng kho dữ liệu cá nhân, tổ chức để khi giải quyết thủ tục hành chính người dân có thể lấy kết quả thủ tục đã được số hóa để giải quyết các thủ tục hành chính khác.

“Cuối cùng, quan trọng vẫn là việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành. Tôi cho rằng đây là điểm nghẽn lớn nhất mà tới đây, Thành phố sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp tháo gỡ khó khăn này. Đặc biệt, trong thời gian tới, Thành phố sẽ triển khai nền tảng công dân số, công chức số trên địa bàn, thí điểm tiếp dân trực tuyến…”, ông Cù Ngọc Trang cho biết.

Thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, bền vững

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những khó khăn của Hà Nội cũng như một số địa phương, ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững; phát triển đô thị thông minh bắt đầu từ công tác quy hoạch.

Đồng thời, các địa phương xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và các công trình kiến trúc đô thị theo đồ án quy hoạch được duyệt một cách thông minh; hướng tới vận hành đô thị thông minh thông qua cung cấp các tiện ích thông minh để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn.

“Tháo gỡ” khó khăn xây dựng thành phố thông minh
Hà Nội đang quyết tâm thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giảm thiểu việc đi lại của người dân và tăng cường minh bạch, phòng ngừa tham nhũng.

“Phát triển đô thị thông minh không chỉ là trách nhiệm của cơ quan trung ương mà còn cần sự hợp tác, chủ động của các chính quyền đô thị, đối tác và cần phải được cụ thể hóa trên cơ sở các kế hoạch thực hiện, hợp tác cùng thúc đẩy”, đại diện Cục Phát triển đô thị nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, ông Trần Thiện Chính - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện nhận định, để Hà Nội chuyển đổi số toàn diện khả thi và hiệu quả, người đứng đầu các cấp phải nhận thức đúng và có quyết tâm thực hiện. Ngoài ra, các chế độ chính sách, tiêu chuẩn quy chuẩn để triển khai việc chuyển đổi số. Quan trọng nhất là nền tảng kỹ thuật số để biến ý chí và hành động thành hiện thực.

“Đối với Hà Nội còn rất nhiều việc liên quan đến chính sách, quy chuẩn. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội muốn thông minh thì người dân, doanh nghiệp phải thông minh. Gần đây, quan điểm cộng đồng thông minh được đưa ra là lấy người dân làm gốc, Thành phố cũng đã và đang đi theo hướng này. Ngoài ra, cần có nguồn vốn, ngân sách trong việc phát triển thành phố thông minh. Ý thức được những việc đấy thì chúng ta sẽ triển khai tốt việc chuyển đổi số, cũng như phát triển đô thị thông minh”, ông Trần Thiện Chính bày tỏ.

Ông Vũ Việt Hưng, chuyên gia tư vấn, Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội cho rằng, trong việc phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số, không ai có thể đảm bảo nắm được hết các tri thức. Do vậy, không chỉ các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau mà vai trò của cơ quan chức năng trong việc quy hoạch, định hướng đô thị thông minh là rất quan trọng.

“Ví dụ tại Hà Nội, một địa phương đặc biệt, muốn phát triển, xây dựng chiến lược dữ liệu thì cần tham khảo thêm tại một số địa phương đã thực hiện tốt. Hà Nội đang trong quá trình triển khai, theo tôi nên đầu tư hạ tầng trước, các quận huyện nên đầu tư những nền tảng riêng”, ông Vũ Việt Hưng cho biết.

Nhóm PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này