Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Nhà nước mua lại 5 dự án BOT giao thông

20:56 | 06/11/2023
(LĐTĐ) Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm rõ tính khả thi, hợp lý của việc đề nghị tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT là khoảng 10.342.000 tỷ đồng.
Qua kiểm toán về sử dụng đất đai, kiến nghị tăng thu ngân sách 3.377 tỷ đồng Mới giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án nhà ở xã hội Cho vay tín chấp với những khoản vay nhỏ lẻ để hạn chế “tín dụng đen”

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 6/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải các vấn đề liên quan đến các trạm thu phí BOT giao thông.

Xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342.000 tỷ đồng

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) nêu, tại Nghị quyết số 62, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành được nhiệm vụ này do Quốc hội giao.

“Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành. Trong đó làm rõ tính khả thi, hợp lý của việc đề nghị tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT là khoảng 10.342.000 tỷ đồng”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Nhà nước mua lại 5 dự án BOT giao thông
Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị làm rõ tính khả thi, hợp lý của việc đề nghị tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đã hết sức quyết liệt trong việc phối hợp với các bộ ngành và địa phương để triển khai việc tháo gỡ các dự án BOT đang có vấn đề. Cụ thể ở đây là 8 dự án BOT với tổng chi phí dự kiến khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Nội dung này thực tế Bộ Giao thông vận tải cũng đã triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên có rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc tháo gỡ cho các dự án này. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 62 của Quốc hội ban hành Bộ Giao thông vận tải cũng đã trình Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án này.

Sau đó tháng 10 Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến và Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến. Trong đó, yêu cầu Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải giải trình một số vấn đề.

Cụ thể là: Ngoài 8 dự án của Trung ương, đối với địa phương có bao nhiêu dự án, những dự án của địa phương có khó khăn vướng mắc như thế nào; vấn đề quan điểm liên quan đến nguồn vốn để giải quyết từ đâu, từ nguồn tăng thu hay từ nguồn đầu tư công, lấy từ đầu tư công trung hạn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Nhà nước mua lại 5 dự án BOT giao thông
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng, cả 8 dự án này đều được triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực, do vậy hiện nay có 2 căn cứ khi Bộ Giao thông nghiên cứu, đề xuất: Một là liên quan đến nghị định và hai là liên quan đến Luật PPP. Đây là những vấn đề tương đối khó khăn, vướng mắc. Bộ Giao thông đang tiếp tục giải trình với Chính phủ, với các bộ, ngành để từng bước để có thể trình được Quốc hội trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, các dự án này không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà liên quan đến cả các ngân hàng. Vừa qua Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp, giải trình hết sức cụ thể và Chính phủ yêu cầu báo cáo trước ngày 15/11.

“Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất Chính phủ sẽ trình Quốc hội để tháo gỡ cho 8 dự án BOT, trong đó có 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị hỗ trợ. Về tiến độ xin báo cáo với đại biểu Quốc hội cũng tương đối chậm, chúng tôi sẽ cố gắng với trách nhiệm của mình tham mưu cho Chính phủ để sớm trình Quốc hội và giải trình kịp thời khi Thường vụ Quốc hội có ý kiến”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời.

Điều chỉnh tốc độ của các đường cao tốc?

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cho biết, hiện nay quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của kỳ họp này, đại biểu đã có nêu vấn đề tại sao nhiều tuyến đường cao tốc mới hoàn thành đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80km/h.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Nhà nước mua lại 5 dự án BOT giao thông
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn tỉnh Quảng Bình) chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Như vậy, chưa giảm thiểu tối ưu được vận tải và thời gian lưu thông. Trong khi đường Quốc lộ 1A đủ các loại phương tiện, đường hỗn hợp dân cư, các loại hình kinh doanh, trụ sở cơ quan, trường học tập trung đông người tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nhưng có nhiều đoàn vẫn cho phép tốc độ tối đa là 90km/h.

“Xin hỏi Bộ trưởng tại sao lại có quy định như vậy? Thời gian tới có điều chỉnh gì đối với tốc độ của các đường cao tốc nói chung và mục tiêu làm giảm áp lực lưu thông và đặc biệt giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A”, đại biểu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, đối với Việt Nam chúng ta có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, có 4 giới hạn tốc độ, một là cao nhất là 120km/h, thứ hai là 100km/h, thứ ba là 80km/h và thấp nhất là 60km/h. Tất cả tiêu chuẩn này được đặt ra phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật.

Nhiều tuyến đường của chúng ta nếu đầu tư một cách đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy được 120km/h. Ví dụ như từ Hạ Long đi Móng Cái là chạy 120km/h, Hà Nội - Hải Phòng là 120km/h. Cùng một tuyến như là Pháp Vân - Cầu Giẽ chúng ta chạy 100km/h, nhưng Cầu Giẽ - Ninh Bình lại là 120km/h. Vì đơn giản là chỉ cần thêm một yếu tố, đó là có độ nhám thì từ 100km/h có thể nâng lên 120km/h.

“Ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã cho nghiên cứu để rà soát lại xem tiêu chuẩn đã phù hợp với thực tế chưa. Vừa qua các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiên cứu và thấy rằng với những tuyến đường hiện nay chúng ta đang quy định 80km/h thì có thể nâng lên 90km/h, còn các dải tốc độ lớn hơn thì chúng ta vẫn phải chấp hành tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Về phía Bộ Giao thông vận tải chúng tôi đã điều chỉnh lại tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc rồi, dự kiến là trong quý I/2024 sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90km/h”, Bộ trưởng cho biết.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này