Đề xuất cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử:

Có làm khó doanh nghiệp và người dân?

10:18 | 07/11/2023
(LĐTĐ) Theo tờ trình của Bộ Công Thương gửi Chính phủ về đề nghị bổ sung quy định lộ trình triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT theo quy định của pháp luật. Đây được xem là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn hàng giả, trốn thuế... song vấn đề người dân quan tâm, liệu tính khả thi và sự tiện lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Xử lý nghiêm vi phạm tại các điểm bán lẻ xăng trên đường Giải Phóng Thị trường nhiên liệu thế giới “lên cơn sốt” gây sức ép giá bán lẻ xăng dầu trong nước Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu

Cần có lộ trình cho các doanh nghiệp tư nhân

Trong tờ trình số 678/TTr-BCT của Bộ Công Thương trình Chính phủ, lộ trình thực hiện triển khai HĐĐT được Bộ Công Thương đề xuất là thời hạn 1 năm đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực đồng bằng, đô thị, kể từ ngày Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi có hiệu lực; trong khi đó, với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực miền núi, thời gian thực hiện là sau 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu triển khai HĐĐT đến tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Theo đó, ngoài việc thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị đúng với quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các cửa hàng xăng dầu phải có một trong các loại hình, phương tiện, thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu, đảm bảo kết quả đó được kết nối, chuyển vào hệ thống hoá đơn điện tử để lập hóa đơn theo quy định về hóa đơn, chứng từ.

Có làm khó doanh nghiệp và người dân?
Nhiều người dân không mặn mà với việc đề nghị các cửa hàng bán lẻ xăng dầu xuất HĐĐT. Ảnh: Đ.Đ

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong đó, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực tài chính đã triển khai xuất HĐĐT. Trong đó tiêu biểu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã áp dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy tại 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống.

Trước đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về lộ trình và quy định sử dụng HĐĐT, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, việc áp dụng HĐĐT sẽ giúp thị trường xăng dầu minh bạch, tăng khả năng kiểm soát lượng xăng ra, vào tại các cửa hàng xăng dầu được thuận tiện. Tuy nhiên, với các cây xăng tư nhân, dự thảo Nghị định cần đưa ra lộ trình áp dụng phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ có thời gian chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực, vật lực… để đáp ứng.

Đề cập vấn đề này, ông Dương Huy Tiến, đại diện một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, nếu quy định 100% người dân mua xăng đều phải xuất hóa đơn và chuyển dữ liệu về cơ quan thuế, thì sẽ rất khó để các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp tư nhân đáp ứng được bởi khối lượng hóa đơn sẽ rất lớn và sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và khách hàng đặc biệt là vào các giờ cao điểm.

“Đa số người mua xăng dầu ở các cửa hàng bán lẻ là khách sử dụng xe máy, nên người mua thường không quan tâm đến việc nhận lại hóa đơn. Trong khi đó, để ban hành được HĐĐT với khách hàng, doanh nghiệp phải đầu tư chi phí hạ tầng công nghệ, thiết bị in hóa đơn... với chi phí lớn. Với các cửa hàng và đại lý bán lẻ, việc áp dụng này là bài toán không đơn giản. Vì thế, cần phải có thời gian và lộ trình dài hơi hơn, thậm chí cần có sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước trong xây dựng hạ tầng thông tin, chi phí…”, ông Huy Tiến cho hay.

Liệu có xảy ra “hội chứng” tắc nghẽn

Mục tiêu của quy định là nhằm tránh xảy ra tình trạng gian lận thuế, song xét ở góc độ tiện ích có thể xảy ra hệ lụy cho người mua xăng. Về vấn đề này, một khách hàng cho hay: Sáng sớm đi làm, người xếp hàng chờ đổ xăng đông nghẹt. Hôm nào gặp phải người mua xăng chờ quẹt thẻ hay chuyển khoản là y rằng những người phía sau “rồng rắn” chờ nhau. Tới đây, nếu mua xăng còn phải đợi hóa đơn thì không biết sẽ ra sao?

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tấn Trường, ở Khương Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, hiện nay nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn chưa thực sự bảo đảm được sự ổn định, có những thời điểm người dân phải xếp hàng dài mới đổ được vài lít xăng. Trong khi đó, việc nhiều người chỉ tạt vào cây xăng đổ 40.000 - 50.000 đồng… là rất nhiều. Vì thế, nếu họ nán lại để chờ xuất HĐĐT sẽ vừa mất thời gian, vừa tạo sự khó chịu vì phải chờ đợi.

“Đến đổ xăng còn phải chờ đợi, thì việc chờ để được xuất hóa đơn sau khi mua xăng là điều không phải khách hàng nào cũng có đủ kiên nhẫn để chờ. Đó là chưa kể phải cung cấp thông tin cá nhân, rồi nhiều trường hợp xuất hóa đơn về không biết để làm gì… Vì thế tôi nghĩ, việc triển khai xuất HĐĐT đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có thể là cần thiết, nhưng hiệu quả thì chưa chắc đã đảm bảo”, ông Trường nói. Cạnh đó, nhiều người dân khi được hỏi cũng cho rằng, họ đa số là làm công việc lao động chân tay, làm nông nghiệp, người lao động tự do nên cũng không quan tâm đến việc xuất hóa đơn hay không xuất hóa đơn khi mua xăng dầu.

Đề cập vấn đề này các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra các biện pháp khác sao cho bảo đảm tính hợp lý. Thực tế, việc xuất HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa chắc đảm bảo thu về dữ liệu đầy đủ. Trong khi đó, cần xem xét, thay thế việc xuất HĐĐT bằng hình thức in biên lai mua hàng nhằm tạo thuận tiện cho khách hàng, doanh nghiệp và vẫn đảm bảo việc kiểm soát lượng xăng dầu bán ra. Ngoài ra, cũng cần phải xem lại lộ trình và tính hiệu quả thực tế nếu quy định được thông qua, làm sao vừa bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung, vừa thuận tiện cho khách hàng và vừa giám sát hiệu quả đầu ra xăng dầu.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này