Số doanh nghiệp tăng nhưng thị trường lao động chưa bền vững

11:33 | 01/11/2023
(LĐTĐ) Thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn tỉnh Bình Định) phản ánh, thời gian qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thấp hơn số doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên, số vốn đăng ký, số lao động đang có chiều hướng giảm.
Đại biểu Quốc hội đề nghị ngân hàng nới lỏng điều kiện vay Đề nghị giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá sát thực trạng bất cập của hệ thống đường cao tốc

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều người lao động, người phụ thuộc như: Giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện…

Số doanh nghiệp tăng nhưng thị trường lao động chưa bền vững
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu thảo luận

Cho biết số doanh nghiệp đang tăng về cơ học, nhưng thị trường lao động chưa bền vững, bà Thủy cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động để có giải pháp cụ thể trong đào tạo học nghề, hỗ trợ lao động trong tìm kiếm lĩnh vực việc làm phù hợp.

Bên cạnh đó, cần đánh giá sâu hơn tác động của việc giảm số lượng việc làm, nhất là với những ngành có lực lượng lao động đông, lao động trẻ.

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch, tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp, giảm khoản đóng góp cho doanh nghiệp như thuế, cho doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà…

“Để phát huy 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện hiệu quả đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, cần đa dạng hóa hợp lý cơ cấu ngành nghề, đa dạng hóa phương thức tổ chức, chương trình dạy học nhằm thu hút lao động trẻ tham gia học tập”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nêu kiến nghị.

Số doanh nghiệp tăng nhưng thị trường lao động chưa bền vững
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, bình quân tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao.

Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này kịp thời, quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, rút khỏi thị trường và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.

Số doanh nghiệp tăng nhưng thị trường lao động chưa bền vững
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Nhấn mạnh thanh niên chính là lực lượng đông đảo tiên phong trong lao động sản xuất, đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn tỉnh Yên Bái) bày tỏ băn khoăn, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ độ tuổi 15 - 24 tuổi trong quý 3 năm 2023 là 7,86%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%, nông thôn là 6,60%... Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 13,5%, thành thị là 9,8%...

Đại biểu Triệu Thị Huyền cho rằng, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội và đến chính thu nhập, đời sống của thanh niên và gia đình họ, gây áp lực cho an sinh xã hội, đây cũng là nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội.

Số doanh nghiệp tăng nhưng thị trường lao động chưa bền vững
Đại biểu Triệu Thị Huyền phát biểu thảo luận

Do đó, đại biểu Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm đánh giá lại công tác phân luồng học sinh, đánh giá lại chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường hơn nữa công tác dự báo nguồn nhân lực gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đánh giá lại quá trình và kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho thanh niên, đồng thời rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên.

“Cần ban hành các chính sách hỗ trợ cho lao động thanh niên nói riêng và lao động nói chung ở trong khu vực phi chính thức. Hơn nữa, có cơ chế, chính sách thu hút thanh niên có trình độ vào làm việc ở trong khu vực lao động chính thức để tránh lãng phí nguồn nhân lực”, đại biểu Triệu Thị Huyền nhấn mạnh.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này