Mỗi năm, Hà Nội tăng 40.000 - 50.000 học sinh, cần xây thêm 30 - 40 trường học

22:12 | 17/10/2023
(LĐTĐ) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh, cần xây mới 30 - 40 trường học mới đáp ứng đủ nhu cầu.
HĐND Thành phố tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng, cải tạo trường công lập Hà Nội còn thiếu 49 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở

Thiếu 49 trường công lập

Chiều 17/10, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nêu tình trạng thiếu 49 trường công lập ở 8 quận, tạo nên tình trạng quá tải tại các trường học công lập, sĩ số học sinh trên lớp tăng cao và gây áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao (Tổ đại biểu quận Nam Từ Liêm) đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các quận Hoàng Mai, Đống Đa cho biết giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

Mỗi năm, Hà Nội tăng 40.000 - 50.000 học sinh, cần xây thêm 30 - 40 trường học
Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao chất vấn tại phiên giải trình.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố cho hay, khu vực trường học nội thành và ngoại thành đều quá tải, đặc biệt là ở khối tiểu học và trung học phổ thông và đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ chỉ tiêu xây trường đạt chuẩn quốc gia, đưa ra giải pháp khả thi.

Đại biểu Nguyễn Khánh Hưng (Tổ đại biểu huyện Ba Vì) cho biết, theo quy định, cứ 3 đến 5 vạn dân thì cần bố trí 1 trường trung học phổ thông (THPT), như vậy quận Hai Bà Trưng cần có 6 đến 10 trường THPT công lập, nhưng hiện tại chỉ có 3 trường; quận Hoàn Kiếm cần 4 đến 7 trường THPT nhưng hiện tại chỉ có 2 trường. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết đã tham mưu UBND Thành phố những giải pháp gì để thực hiện đúng nội dung về quy hoạch mạng lưới trường công lập theo quyết định của UBND thành phố?.

Đại biểu Duy Hoàng Dương (Tổ đại biểu huyện Hoài Đức) nhìn nhận, Báo cáo số 385/BC-UBND của UBND Thành phố chủ yếu mới nêu được những kết quả về cơ sở vật chất, nhưng chưa làm rõ được về đội ngũ giáo viên để đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn tại các trường học trên địa bàn Thủ đô. Do đó, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo, giải trình về thực trạng bất cập số lượng (thiếu giáo viên, nhân viên), cơ cấu giáo viên (thiếu giáo viên các môn học mới); những hạn chế, khó khăn và giải pháp khắc phục?.

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ đại biểu quận Bắc Từ Liêm) lại đề nghị Giám đốc Sở Tài chính làm rõ những khó khăn vướng mắc trong việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho các trường học công lập, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này. Đến bao giờ cơ sở giáo dục các cấp trên địa bàn Hà Nội đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục? Quan điểm của ngành như thế nào đối với một số địa phương về lập dự án đầu tư xây dựng trường học trên các diện tích nhà đất là tài sản công sau rà soát, sắp xếp để khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp?

Cần có đủ điều kiện về đất và về vốn

Trả lời tại phiên giải trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: Hoàng Mai là quận đông dân nhất Thành phố với khoảng 700 nghìn người, trong đó hơn 100 nghìn cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 cháu.

Mỗi năm, Hà Nội tăng 40.000 - 50.000 học sinh, cần xây thêm 30 - 40 trường học
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm trả lời các đại biểu.

Trong những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn, bất cập. Có năm phải thực hiện bốc thăm cho các cháu mầm non. Với sự chỉ đạo của Thành phố và triển khai nhiều giải pháp của quận, tình trạng này đã khắc phục dần những bất cập, khó khăn, không còn tình trạng bốc thăm vào các lớp mầm non.

Hiện, quận tập trung chủ yếu vào 4 biện pháp: Lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể, triển khai tuyển sinh trực tuyến, đẩy mạnh nhanh các dự án xây dựng trường học, khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập. Quận điều tra số trẻ vào đầu năm học từ đó phân luồng, phân tuyến tuyển sinh; công khai tuyển sinh của từng trường và việc tuyển sinh được đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến; 100% đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Trong 3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới được 23 trường học, tăng cường cải tạo sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học.

Nói về giải pháp, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho rằng, cần có đủ điều kiện về đất và về vốn. Quận đã rà soát triển khai khẩn trương các ô đất quy hoạch để đầu tư xây dựng trường học, bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề xuất Thành phố quan tâm để hỗ trợ việc triển khai đầu tư xây dựng trường học; khi Thành phố phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị; điều chỉnh quy hoạch để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số.

Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, quận Đống Đa đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định. Với mật độ dân số đông, quận Đống Đa có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp, hiện nay 1 trường khoảng 60 lớp, trung bình số học sinh 40-60 học sinh/lớp.

Về giải pháp, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới. Đồng thời, có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.

Cần xây mới 30 - 40 trường/năm học

Giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh, đòi hỏi Thành phố phải xây mới trường học cả công lập và ngoài công lập từ 30 - 40 trường/năm mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Mỗi năm, Hà Nội tăng 40.000 - 50.000 học sinh, cần xây thêm 30 - 40 trường học
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương trả lời tại phiên giải trình.

Về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, vấn đề này đang được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng. Năm 2023, Thành phố có 130 trường cần được công nhận mới đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến thời điểm này mới công nhận 16 trường; các quận, huyện, thị xã đang nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 80 - 85% trường đạt chuẩn quốc gia, thì giai đoạn 2023 - 2025, toàn Thành phố phải công nhận mới 410 trường đạt chuẩn, công nhận lại 1.150 trường.

Về tiêu chí học sinh tiểu học là 35 học sinh/lớp, cấp THPT là 45 học sinh/lớp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tiêu chí này khó thực hiện trên địa bàn Hà Nội. Thực tế, ở một số quận nội đô, học sinh rất đông, trong khi ở một số huyện, sĩ số học sinh không đủ trong 1 lớp, thừa thiếu cục bộ…

Năm học 2023 - 2024, thiếu 10.915 biên chế giáo viên

Trả lời các đại biểu về biên chế giáo viên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết: Số biên chế ngành Giáo dục Thủ đô được giao năm 2023 là 97.594 biên chế, hiện chưa sử dụng là 6.919 biên chế.

Mỗi năm, Hà Nội tăng 40.000 - 50.000 học sinh, cần xây thêm 30 - 40 trường học
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu trả lời về biên chế giáo viên.

Nếu so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì năm học 2022 - 2023, Hà Nội còn thiếu 7.600 chỉ tiêu, Thành phố đã đề xuất Trung ương giao bổ sung 2.361 chỉ tiêu và đã trình HĐND Thành phố phân bổ cho các đơn vị thiếu. Năm học 2023 - 2024, Hà Nội còn thiếu 10.915 chỉ tiêu, Thành phố cũng đã có văn bản đề xuất Trung ương giao bổ sung 8.900 chỉ tiêu để tiếp tục phân bổ cho các trường còn thiếu…

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cũng cho biết, cùng với các giải pháp đang triển khai, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND Thành phố phân cấp cho các quận, huyện chủ động tuyển dụng giáo viên; cân đối biên chế viên chức để ưu tiên cho giáo dục. Cụ thể là giai đoạn 2017 - 2021, Thành phố không cắt giảm biên chế giáo dục mà còn tăng thêm khi thêm trường, thêm lớp; từ năm học 2022 - 2023 không cân đối được mới phải cắt giảm 2%.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà, căn cứ kết quả giải trình của các sở, ngành, quận, huyện và phương hướng, lộ trình, giải pháp, Thường trực HĐND Thành phố sẽ thông qua kết luận phiên giải trình, tổ chức giám sát việc thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm giáo dục đào tạo của cả nước và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này