Nhiều hành vi nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông

17:13 | 12/10/2023
(LĐTĐ) Theo TS. Lê Thu Huyền, Bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (GTVT), Trường Đại học GTVT, có nhiều nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và hệ lụy sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu rơi vào nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên.
Nâng cao ý thức bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong người lao động Gần 2 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 sẽ được trao tặng Nâng cao ý thức của đội ngũ lái xe trong việc phòng, tránh tai nạn giao thông

Tại Phiên toàn thể - Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức ngày 12/10, TS. Lê Thu Huyền cho biết, tính riêng trong 6 tháng năm 2023 số vụ tai nạn giao thông có xu hướng giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, bình quân 1 ngày vẫn xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, 16 người chết, 11 người vị thương. Nếu đối chiếu với năm 2022, 1 ngày xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, 17 người chết, 22 người bị thương… thì việc giảm thiểu được tai nạn giao thông là nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng.

Nhiều hành vi nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông
Để giảm thiểu tai nạn giao thông, TS. Lê Thu Huyền khuyến nghị các ngành chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về kiểm soát các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn. Ảnh: Đinh Luyện

Tuy nhiên, có một thực tế, tại Hà Nội hiện xe máy vẫn là phương tiện giao thông phục vụ di chuyển chính của đại bộ phận dân cư. Hệ lụy nhãn tiền là tắc nghẽn giao thông trở nên nghiêm trọng. Cùng đó là ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông trở nên nhức nhối.

Về lý do người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ, qua nghiên cứu có thể chia ra 3 nhóm là: Chủ định vi phạm Luật Giao thông đường bộ; thiếu hiểu biết về giao thông và Luật Giao thông đường bộ và nhóm cuối cùng là bắt buộc phải vi phạm Luật giao thông. Nguyên nhân thì có thể phụ thuộc chủ yếu vào 2 nhóm là ý thức và nhận thức.

Theo TS. Lê Thu Huyền, học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn trong tai nạn giao thông đường bộ, để lại hậu quả nghiêm trọng, tổn thất nặng nề với bản thân người bị nạn và toàn thể xã hội. Do đó, việc áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cần được thực hiện đồng bộ.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, theo TS. Lê Thu Huyền, tại hầu hết các quốc gia thực hiện thành công việc kiểm soát các hành vi vi phạm đều có các điểm chung là: Có quy định pháp luật cụ thể, chi tiết cho từng hành vi; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, chế tài xử lý cũng được xây dựng theo nguyên tắc phạt theo mức độ vi phạm. Trong trường hợp đặc biệt, với những lỗi lặp lại hoặc có nồng độ cồn quá cao, chống người thi hành công vụ… thì cần phải xử lý nặng.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, TS. Lê Thu Huyền khuyến nghị các ngành chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về kiểm soát các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Đặc biệt là các chế tài, chế định với hành vi sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe, lái xe vượt quá tốc độ, sử dụng điện thoại khi lái xe…

Đồng thời, cần có quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân trong tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm của hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm…

Nhiều hành vi nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông
Ùn tắc giao thông là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới tai nạn giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông đúng mực và an toàn, theo TS. Lê Thu Huyền, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, từ đó cho phép thay đổi nhận thức và thói quen của người tham gia giao thông nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng.

Ngoài thông tin truyền tải từ TS. Lê Thu Huyền, Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 thu hút nhiều bài báo, công trình nghiên cứu có chất lượng cao. Chất lượng các bài báo khoa học được hội đồng chuyên môn và các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý đánh giá cao. Nhiều giải pháp đưa ra có tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng vào giao thông ở Việt Nam.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này