Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh

16:20 | 09/10/2023
(LĐTĐ) Sáng 9/10, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho hàng trăm học sinh trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên An toàn giao thông cho học sinh: Còn nhiều “khoảng trống”! Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho học sinh

Tại buổi tuyên truyền, các báo cáo viên của Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) đã thông tin về tình hình trật, tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước và thành phố Hà Nội; những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông và hậu quả do tai nạn giao thông gây ra đối với người bị nạn, gia đình và xã hội.

Đặc biệt, qua sự dẫn giải trực quan, sáng tạo, các báo cáo viên đã chỉ ra một số hành vi vi phạm giao thông phổ biến ở lứa tuổi học sinh như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chỉ dẫn của biển báo hiệu, người chỉ huy điều khiển giao thông, đi ngược chiều...

Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh
Báo cáo viên của Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh

Đồng thời, giới thiệu về hệ thống các biển báo hiệu đường bộ thường gặp và ý nghĩa của việc tuân thủ báo hiệu đường bộ, các quy tắc khi tham gia giao thông; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật.

Bên cạnh việc truyền tải các thông tin, kiến thức liên quan đến an toàn giao thông, các em học sinh đã tích cực tham gia trả lời đầy hào hứng các câu hỏi do đồng chí báo cáo viên nêu ra. Đồng thời, báo cáo viên cũng nêu rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục các em học sinh khi tham gia giao thông trên đường được an toàn...

Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, trong tháng 9 vừa qua, toàn quốc đã xảy ra 1.305 vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong đó có 77 vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi khiến 46 người tử vong và 67 người bị thương. Trong đó có 58 vụ tai nạn giao thông do thanh thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, làm tử vong 28 người, bị thương 55 người.

Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh
Các em học sinh đã tích cực tham gia trả lời đầy hào hứng các câu hỏi do đồng chí báo cáo viên nêu ra.

Nhận định về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh và sinh viên, Thượng tá Tạ Ngự Long, Phó trưởng Phòng 8 (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện tại Hà Nội và nhân rộng ra toàn quốc nhằm giúp các em có các kiến thức cơ bản, các quy tắc khi tham gia giao thông để hình thành nếp văn hóa tham gia giao thông an toàn cho mình, cho mọi người và cho người thân. Đồng thời sớm tham mưu, đề xuất ban hành luật trật tự an toàn giao thông đường bộ trong đó có quy định hướng dẫn các em thực hiện tốt từ khi ở nhà, cổng trường và bảo đảm tốt nhất cho các em về tính mạng và sức khỏe”.

Theo kế hoạch trong tháng 10, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp cho các em học sinh, sinh viên các cấp nhằm trang bị những kĩ năng, hiểu biết pháp luật nhất định về trật tự an toàn giao thông góp phần phòng ngừa vi phạm, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh
Thượng tá Tạ Ngự Long, Phó Trưởng Phòng 8 (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an)

Thực tế cho thấy, việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường phải là việc làm thường xuyên, liên tục. Để làm tốt công tác này, vấn đề cần quan tâm, thực hiện là tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong mỗi học sinh. Muốn vậy, giải pháp cốt lõi vẫn là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh.

Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra, xử lý, cập nhật, lưu giữ thông tin những trường hợp học sinh vi phạm pháp luật giao thông, duy trì thông báo định kỳ danh sách này đến nhà trường để cùng phối hợp quản lý, giáo dục. Với các nhà trường, cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; đa dạng hóa các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, sát với tâm lý, lứa tuổi của học sinh.

Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh
Các đơn vị tặng mũ bảo hiểm cho học sinh

Ông Đinh Mạnh Cường, phụ huynh học sinh trường THCS Tô Hoàng, cho rằng, ở góc độ gia đình, nhất là các bậc phụ huynh phải gương mẫu thực hiện nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông; đồng thời tích cực giáo dục, nhắc nhở, hướng dẫn con em mình chấp hành. Những việc các bậc làm cha, làm mẹ cần lưu ý là kiên quyết yêu cầu con em mình đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện; không cho sử dụng xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi.

Đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS Tô Hoàng bày tỏ, thông qua hoạt động tuyên truyền, đã giúp các em học sinh hiểu rõ thêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phòng ngừa vi phạm và tai nạn giao thông cho các em ở lứa tuổi học sinh.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này