Trung gian tạo quan hệ lao động hài hòa

07:00 | 13/10/2023
(LĐTĐ) Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn, đồng thời, bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết số 02), từ năm 2021, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT”.
CĐ ngành Dệt-May Hà Nội: Cần sớm ký kết TƯLĐTT cấp ngành Kinh nghiệm Ký TƯLĐ tập thể nhìn từ một doanh nghiệp dân doanh Doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi

Trong Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT”, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, đánh giá những ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong việc triển khai công tác đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT từ năm 2020 trở về trước. Từ đó, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT.

Trung gian tạo quan hệ lao động hài hòa
Thông qua việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT, quyền lợi và các chế độ phúc lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo tốt hơn.Ảnh: Mai Quý.

Một trong những giải pháp quan trọng được đề ra trong Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT” đó là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Trong giai đoạn 2021 - 2022, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã mở 60 lớp tập huấn, tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ, bản lĩnh, quy trình, kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT và đối thoại tại nơi làm việc cho đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp và chế xuất.

Để phục vụ công tác tập huấn, hướng dẫn Công đoàn cơ sở, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng, phát hành “Bộ tài liệu hướng dẫn hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp” gồm các biểu mẫu, hướng dẫn theo quy trình rút gọn từ 7 bước xuống còn 3 bước dễ hiểu, dễ thực hiện, kèm theo đó là ngân hàng các nội dung đề xuất thương lượng, để các Công đoàn cơ sở tham khảo khi đề xuất với chủ sử dụng lao động.

Ngoài ra, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng cơ chế chi tài chính hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân cán bộ Công đoàn trực tiếp thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Các bản TƯLĐTT ký kết đều được chấm điểm, đánh giá xếp loại theo đúng hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Sau đó được Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (CSPL&QHLĐ) tổng hợp trình Hội đồng thẩm định của LĐLĐ Thành phố xem xét thông qua và ban hành quyết định cấp hỗ trợ kinh phí. Từ đó, tạo ra nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ Công đoàn trong việc triển khai hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Trong công tác chỉ đạo, LĐLĐ Thành phố đã duy trì chế độ giao ban định kỳ 1 lần/quý về công tác TƯLĐTT đối với các Chủ tịch Công đoàn cấp trên cơ sở để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện; công khai kết quả thương lượng, ký kết TƯLĐTT và danh sách những bản TƯLĐTT sắp hết hạn để các cấp Công đoàn kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động lên kế hoạch thương lượng, ký kết lại.

LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đã thành lập “Tổ tư vấn, hỗ trợ thương lượng ký kết TƯLĐTT” gồm 15 đồng chí, do đồng chí Trưởng ban CSPL&QHLĐ làm Tổ trưởng, để hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở về quy trình, cách thức tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp; chỉ đạo Ban CSPL&QHLĐ thiết lập các nhóm Zalo kết nối với cán bộ trực tiếp theo dõi, thực hiện chuyên đề chính sách pháp luật của các Công đoàn cấp trên cơ sở để kịp thời chuyển tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ Thành phố. Đây cũng là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT.

Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp được đề ra trong Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT”, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT. Tiêu biểu như tại Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, đến nay, Công đoàn ngành đã tham gia hướng dẫn được 80/85 doanh nghiệp trực thuộc ký TƯLĐTT và gửi về Thư viện TƯLĐTT Thành phố (đạt 94,1%). Trong đó, số TƯLĐTT đạt loại A có 33 bản, chiếm 41,3%; số TƯLĐTT đạt loại B là 28 bản chiếm 35%. Hay như tại LĐLĐ huyện Gia Lâm, đã có 115/130 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở ký TƯLĐTT (đạt 88,4%); số TƯLĐTT đạt loại A và B chiếm 76%.

Đánh giá về hiệu quả của Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT”, đồng chí Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban CSPL&QHLĐ LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, sau một thời gian triển khai, Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT” đã phát huy hiệu quả tích cực, được Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao và nhân rộng, áp dụng trong cả nước. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, số TƯLĐTT ký kết hàng năm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn Thành phố đã có 3.699 bản TƯLĐTT (đạt tỷ lệ 75,5%), số TƯLĐTT loại đạt loại A chiếm 46%.

Trong đó, nhiều bản TƯLĐTT đã có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định; tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương hiện hưởng; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1 - 2 ngày thứ 7 trong tháng; người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày thành lập doanh nghiệp; người lao động được hỗ trợ bữa ăn ca trị giá từ 20.000 đồng - 30.000 đồng, ngoài ra khi làm thêm từ 2 giờ trở lên được hỗ trợ một bữa ăn ca tương đương 15.000 đồng; tiền thưởng lương tháng thứ 13; được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên…

Đồng chí Tạ Văn Dưỡng nhấn mạnh: “Có thể khẳng định, việc xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT” là minh chứng cho sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô theo đúng tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị; đồng thời thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế mang tính căn cốt của tổ chức Công đoàn. Từ đó, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp”.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này