Tiếp ô-xy cho Thành phố thêm xanh

09:51 | 10/10/2023
(LĐTĐ) Tại Hà Nội những năm gần đây, việc phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt, Thành phố đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025 - 2030, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh. Nhiều ý kiến cho rằng, việc “xanh hóa” giao thông của Hà Nội là hướng đi tất yếu, tuy nhiên vẫn còn những thách thức nhất định đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc đồng bộ và sâu rộng hơn nữa.
Hà Nội nỗ lực xây dựng xe buýt “xanh” Chung tay hành động bảo vệ môi trường vì một Hà Nội xanh

Hướng đi tất yếu

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện số lượng phương tiện giao thông tại Hà Nội vẫn tiếp tục giữ mức tăng cao hằng năm. Trong đó, chiếm số lượng lớn là phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy. Ngoài ra, Hà Nội cũng là trung tâm kinh tế, thu hút đáng kể một lượng lớn người dân cả nước. Qua ước tính, trên địa bàn có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại Hà Nội. Mật độ người và phương tiện cao, hệ lụy đi kèm nhãn tiền là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí từ khí thải phương tiện cũng ngày càng nghiêm trọng.

Tiếp ô-xy cho Thành phố thêm xanh
Việc Hà Nội đưa vào vận hành các phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu, góp phần xây dựng Thủ đô xanh - văn minh - hiện đại. Ảnh: Đinh Luyện

Những hệ lụy này đã và đang trực tiếp đe dọa tới môi trường, sức khỏe của người dân Thủ đô. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội liên tục nằm trong nhóm những thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao. Trước thực trạng này, Hà Nội đã có những quyết sách tập trung đổi mới phát triển giao thông xanh.

Minh chứng dễ thấy, Hà Nội đã đưa vào vận hành, khai thác tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đánh dấu bước ngoặt của phát triển giao thông xanh của Thủ đô. Hoạt động này trực tiếp góp phần hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, Hà Nội cũng triển khai hàng loạt các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh, bao gồm xe buýt điện của Vinbus và xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG của Công ty Bảo Yến đã tạo sự đột phá trong việc thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. Qua thống kê, trên 2.000 phương tiện xe buýt hiện đã đưa vào sử dụng những nhiên liệu sạch, nhiên liệu xanh. Gần 140 xe sử dụng CNG và 130 xe buýt điện. Tỷ lệ xe sử dụng nhiên liệu sạch chiếm khoảng 13% tổng số phương tiện tại Hà Nội.

Cùng đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Đặc biệt, dự kiến trong thời gian sắp tới, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Cầu Giấy cũng sẽ đi vào vận hành, gia tăng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện xanh.

Đáng chú ý, việc phát triển giao thông theo hướng “xanh hóa” nhận được nhiều sự hưởng ứng từ chính người dân. Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho biết, trong giai đoạn thí điểm xe đạp công cộng, đơn vị tổ chức triển khai tại 79 điểm trạm trên địa bàn Thủ đô, với 1.000 phương tiện. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi. Đáng chú ý, đại diện Trí Nam chia sẻ, so với việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, việc đạp xe giúp giảm khoảng khí thải CO2 ra môi trường.

Trước đó, trong 7 ngày thí điểm, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thử nghiệm dịch vụ tại Hà Nội (từ ngày 16 đến 22/8), đã có 16.452 tài khoản mới được kích hoạt với 7.454 chuyến đi, tương đương 46.894km đã đi. Đại bộ phận người dân Thủ đô đều sẵn sàng trải nghiệm và đánh giá cao loại hình dịch vụ công cộng này.

Thích thú trải nghiệm dịch vụ phương tiện giao thông xanh, anh Lê Văn Sang (27 tuổi, trú tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa) chia sẻ, mô hình xe đạp công cộng khá hay và thú vị, thúc đẩy thói quen đạp xe của người dân và du khách, vừa giúp rèn luyện sức khỏe lại giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Anh Sang nhận định, nếu Hà Nội duy trì được loại hình này thì hoàn toàn có thể tin tưởng Thủ đô sẽ giống như các nước phát triển trên thế giới, thu hút và dẫn dắt khách nước ngoài đến với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp trên địa bàn.

Cùng quan điểm điểm với anh Lê Văn Sang, anh Nguyễn Duy Kim (28 tuổi, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) cho biết, bản thân rất muốn thử xe đạp công cộng nhưng khi tìm các trạm xe mới thấy việc thí điểm chủ yếu chỉ trong phạm vi tại các quận trung tâm. Anh Nguyễn Duy Kim rất mong muốn mô hình sớm nhân rộng ra khắp Thủ đô. Đồng thời hy vọng việc phát triển dịch vụ xe đạp công cộng sẽ hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như đường sắt đô thị, xe buýt... Điều này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt, xe điện một cách thuận tiện.

Linh hoạt, sáng tạo để phát triển

Theo cam kết tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2025 trở đi, tất cả phương tiện buýt đầu tư mới sẽ là buýt điện, xe buýt xanh. Từ năm 2050, tất cả xe buýt phải là “xe xanh”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê-tan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó chú trọng vào việc chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện thân thiện với môi trường nhằm từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô xanh - văn minh - hiện đại, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Cụ thể, Thành phố đã không ngừng đầu tư, cải tiến hạ tầng giao thông, đồng thời, Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng xây dựng và báo cáo Thành phố về các cơ chế, chính sách và lộ trình phù hợp dần thay thế phương tiện xe buýt hiện nay trên nguyên tắc bảo đảm tính khả khi, không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Có thể nói, để phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thị thành, Hà Nội đã đi đúng hướng với việc đẩy mạnh giao thông xanh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít rào cản trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông xanh mà Hà Nội đặt ra. Quanh câu chuyện, “xanh hóa” giao thông Thủ đô, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, ở việc “xanh hóa” phương tiện giao thông, người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi họ là những người trực tiếp tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, ngoài cơ chế chính sách, điều Hà Nội còn thiếu để đẩy nhanh việc “xanh hóa” giao thông chính là đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình, tạo sự thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này