Cảnh giác “bẫy” lừa đảo tìm việc làm với tân sinh viên

22:40 | 21/09/2023
(LĐTĐ) Đánh vào tâm lý muốn tìm việc làm thêm của các tân sinh viên “chân ướt, chân ráo” lên thành phố Hà Nội nhập học, nhiều đối tượng giả mạo các doanh nghiệp, các thương hiệu nổi tiếng đăng tuyển dụng nhân sự, tuyển cộng tác viên... trên các trang mạng xã hội với những lời “đường mật”. Tin tưởng vào các lời giới thiệu tuyển dụng việc làm thêm, không ít tân sinh viên đã dính “bẫy”…
Bẫy việc làm trên mạng Để lừa đảo trực tuyến không còn “đất sống”

Trong khoảng thời gian này, các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu chào đón tân sinh viên nhập học. Nhiều tân sinh viên với mong muốn chia sẻ gánh nặng kinh tế cho gia đình, đã tìm kiếm các công việc làm thêm trên mạng xã hội. Không ít sinh viên đã bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ khi xin việc. Bạn Nguyễn Thành Hưng, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Đại Nam (ở quận Hà Đông) chia sẻ, mong muốn tìm việc làm thêm ngay để phụ giúp gia đình trang trải chi phí học tập, sau khi làm thủ tục nhập học, tìm nhà trọ xong… Thành Hưng lên các trang mạng xã hội, rồi vào các fanpage Facebook tuyển dụng để kiếm việc làm thêm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Hưng đã đọc được thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội Facebook, vị trí tuyển dụng là nhân viên viết content (viết nội dung) để giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng cho một công ty truyền thông.

Cảnh giác “bẫy” lừa đảo tìm việc làm với tân sinh viên
Nhiều tân sinh viên “sập bẫy” lừa đảo khi tìm việc làm thêm qua mạng xã hội.

Sau khi đăng ký tuyển dụng, Hưng nhận được điện thoại của một người giới thiệu tên là Tùng, nhân viên tuyển dụng của Công ty. Theo lời giới thiệu, Công ty sẽ hỗ trợ đào tạo cho các bạn sinh viên, thậm chí là cầm tay chỉ việc cho những bạn chưa có kinh nghiệm. Sau thời gian đào tạo 10 ngày, nếu đáp ứng được yêu cầu công việc, tiền lương cho các nhân viên sẽ từ 18 - 20.000 đồng/giờ. Thời gian làm việc cũng linh động, sinh viên có thể làm bán thời gian hoặc toàn thời gian, sao cho phù hợp với thời gian học tập. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ tiền ăn và tiền xăng xe, điện thoại cho các bạn ở xa, làm việc lâu dài sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến sau khi ra trường...

Để ứng tuyển, các ứng viên phải đóng phí đào tạo là 300.000 đồng với hình thức làm việc bán thời gian và 500.000 đồng với hình thức làm việc toàn thời gian. Vì tin tưởng lời giới thiệu hấp dẫn của nhân viên tuyển dụng và nóng lòng tìm việc làm, Thành Hưng đã đồng ý đóng phí. Người này còn hẹn Hưng đến văn phòng Công ty phỏng vấn vào ngày hôm sau, nên nam sinh viên này càng tin tưởng. “Hôm sau mình tìm đến địa chỉ được gửi thì phát hiện không có Công ty nào như vậy. Tìm lại tin nhắn, tất cả thông tin trao đổi qua Facebook cũng đã bị thu hồi, thậm chí tài khoản mạng xã hội cũng không còn tồn tại”, Thành Hưng cho biết.

Cũng như Thành Hưng, Hoàng Lan, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhanh chóng đăng tải thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm việc làm. Đăng tuyển chưa lâu, ngoài hàng trăm bài viết đăng tuyển dụng việc làm thêm xuất hiện trên trang Facebook cá nhân, Hoàng Lan còn nhận được hàng chục tin nhắn tuyển dụng qua Facebook. Theo Hoàng Lan, các đối tượng thường nhắn tin thông báo tuyển dụng vị trí nhân viên chạy bàn, nhân viên bán cà phê với mức lương từ 20 - 25.000 đồng/giờ. Sau nhiều lựa chọn, Hoàng Lan nhận lời mời phỏng vấn của một người tên Hằng, người này hẹn phỏng vấn online qua Zalo. Sau khi phỏng vấn với vị trí nhân viên chạy bàn cho quán cà phê, Hoàng Lan được yêu cầu gửi thông tin cá nhân và đóng trước 300.000 đồng tiền đồng phục và 2 ngày sau sẽ bắt đầu công việc. Nghi ngờ trước yêu cầu “đặt cọc” của người tuyển dụng, Hoàng Lan lấy lý do cần thời gian suy nghĩ để từ chối lời mời tuyển dụng. Nhờ đó, Lan đã thoát được “bẫy” tuyển dụng sinh viên làm thêm…

Có thể thấy, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, tội phạm về công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn Thành phố là 153 vụ, giảm 16 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan Công an đã điều tra, khám phá 132 vụ, bắt giữ 165 đối tượng, đạt tỉ lệ 86,3%...Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Thành phố, tội phạm sử dụng thủ đoạn công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nổi lên một số phương thức, thủ đoạn như: Giả danh cán bộ làm trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa đảo. Đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng phần mềm công nghệ cao VoIP (Voice Over Internet Protocol) - truyền tải giọng nói qua mạng Internet, GoIP- thiết bị chuyển cuộc gọi qua mạng Internet thành cuộc gọi GMS thông thường, có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, giả mạo chủ tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook gọi cho bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhằm tăng cường công tác cảnh báo đối với người dân, Công an thành phố Hà Nội cũng đã khuyến cáo người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Đặc biệt, với các bạn sinh viên, để tránh rơi vào “bẫy” lừa đảo khi tìm việc làm thêm, sinh viên cần tham khảo các kênh tìm việc chính thống như: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội…Đồng thời, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này