TP.HCM: Quyết tâm khắc phục và nâng cao chỉ số PCI năm 2023

13:51 | 08/09/2023
(LĐTĐ) Để nâng cao năng lực phục vụ nền hành chính công, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa ban hành kế hoạch cải thiện, khắc phục và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố năm 2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ, biểu dương các thế hệ chiến sĩ tình nguyện TP.HCM Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần có thêm nhiều Đại học Quốc gia Cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch TP.Hồ Chí Minh

Theo đó, Thành phố đặt ra mục tiêu khắc phục ngay các điểm yếu kém, cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần của PCI Thành phố trong năm 2023; tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng; phấn đấu đưa Thành phố vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế ở nhóm tốt.

Đồng thời thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội giữa các sở - ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

Để đạt được mục tiêu này, UBND TP.HCM sẽ tập trung đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó về giải pháp nâng cao chỉ số gia nhập thị trường, UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, phấn đấu tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình đạt 95% trở lên.

TP.HCM: Quyết tâm khắc phục và nâng cao chỉ số PCI năm 2023
TP.HCM đề ra nhiều nhóm giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PCI. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM.

Đối với chỉ số tiếp cận đất đai, UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các quỹ đất do nhà nước trực tiếp quản lý đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch nhằm thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở công nhân. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (HEPZA) tham mưu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3, Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3; các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2; xây dựng kế hoạch triển khai Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II.

Về chỉ số tính minh bạch, UBND Thành phố giao thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện công khai, hệ thống hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, phí và lệ phí tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Cục Hải quan Thành phố hệ thống các sai sót, các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý của hải quan; khuyến khích doanh nghiệp tự kiểm soát và tố giác các hành vi sai phạm.

Về nhóm giải pháp nâng cao chỉ số chi phí thời gian, UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đảm bảo 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được giải quyết đúng hẹn, không có hồ sơ trễ hạn; không để tổ chức, cá nhân đi lại quá một lần để bổ sung hồ sơ; 100% trường hợp hồ sơ trễ hẹn đều có văn bản nêu rõ lý do, xin lỗi tổ chức, cá nhân và hẹn lại ngày trả kết quả theo quy định. Cục Hải quan Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Hải quan thông minh, cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN theo lộ trình của Tổng cục Hải quan.

Đối với chỉ số chi phí không chính thức, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao văn hóa công vụ, phong cách ứng xử; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp; tuyệt đối không được yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp thêm bất kỳ khoản chi phí nào khác ngoài quy định của Nhà nước. Công khai đường dây nóng; ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trong khi đó, đối với chỉ số cạnh tranh bình đẳng, UBND Thành phố giao thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện giám sát công chức trong thực thi công vụ, không để xảy ra hiện tượng công chức có doanh nghiệp “sân sau” hoặc doanh nghiệp “thân hữu”, gây bất bình đẳng trong giải quyết công việc. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật; công bố kịp thời các thông tin về các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

Tương tự, đối với nhóm giải pháp nâng cao chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu để ban hành quy trình, quy chế phối hợp thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về đầu tư cho các dự án phức tạp, kéo dài nhiều năm tại Thành phố. Sở Công Thương tham mưu các giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa công nghiệp chủ lực.

Sở Du lịch hình thành các gói sản phẩm xúc tiến du lịch nhằm quảng bá đến doanh nghiệp khi tổ chức các đoàn xúc tiến thị trường trong và ngoài nước; tham mưu kế hoạch thí điểm phát triển ngành du lịch năm 2023, trong đó chú trọng khai thác tiềm năng kinh tế dịch vụ ven sông, kinh tế đêm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố triển khai chính sách cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng theo Quyết định số 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về chỉ số đào tạo lao động, UBND Thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động phục vụ công tác quản lý lao động, đánh giá chất lượng nguồn lao động. Khảo sát tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo tay nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố.

Chỉ số PCI được dùng để đánh giá và xếp hạng các chính quyền cấp tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành trong kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh. PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian giải quyết thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số đào tạo lao động và chỉ số an ninh trật tự.

Năm 2022, chỉ số PCI của TP.HCM chỉ đạt 65,86 điểm, xếp thứ 27. Top 5 địa phương có điểm PCI cao nhất lần lượt là Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp.

Xuân Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này