Người lao động mong giảm giờ làm để có thêm thời gian chăm sóc gia đình

09:29 | 07/09/2023
(LĐTĐ) Phần lớn công nhân lao động đều mong muốn được giảm thời giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, nhất là con nhỏ và tái sản xuất sức lao động.
Xứng đáng là điểm tựa của đoàn viên, người lao động Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm: Bảo vệ tốt quyền lợi người lao động

Đại diện cho công nhân lao động nêu ý kiến tại Diễn đàn người lao động năm 2023, anh Lại Hoàng Dũng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Samsung Electronics (tỉnh Bắc Ninh) bày tỏ: Tôi được biết tại kỳ họp Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Người lao động mong giảm giờ làm để có thêm thời gian chăm sóc gia đình
Anh Lại Hoàng Dũng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Samsung Electronics nêu ý kiến tại Diễn đàn người lao động năm 2023.

“Là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, tôi rất hiểu anh chị em công nhân sẽ luôn cố gắng lao động, sản xuất khi đất nước, doanh nghiệp cần (như khi cả nước ta phải chống chọi với dịch Covid-19 vừa qua). Nhưng hầu hết anh chị em công nhân đều mong muốn được giảm thời giờ làm việc để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, nhất là con nhỏ và tái sản xuất sức lao động. Điều này cũng nhằm đảm bảo công bằng giữa người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần), trong khi hiện nay hầu hết các nước đã duy trì chế độ làm việc 35 giờ - 40 giờ/tuần”, anh Dũng chia sẻ.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Samsung Electronics nhấn mạnh thêm: Khi các doanh nghiệp cần huy động làm thêm giờ, người lao động luôn sẵn sàng đáp ứng vừa để nâng cao thu nhập, vừa giúp doanh nghiệp đáp ứng đơn hàng. Thậm chí, khi hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu làm thêm giờ, người lao động cũng rất chia sẻ, như sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 31/3/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, việc giảm giờ làm việc là rất cần thiết với công nhân lao động, giúp công nhân có điều kiện tái tạo sức lao động. “Kính mong Quốc hội quan tâm giám sát, thúc đẩy để vấn đề này sớm trở thành hiện thực”, anh Dũng đề xuất.

Bàn về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thuận (công nhân doanh nghiệp may trên địa bàn quận Long Biên) nêu quan điểm: Người lao động làm việc tại cơ quan Nhà nước được nghỉ làm việc ngày thứ Bảy, trong khi đó tại các doanh nghiệp, phần lớn đều phải đi làm ngày thứ Bảy, ít nhất cũng là 1/2 ngày - điều này chưa công bằng. “Chúng tôi mong muốn trước mắt công nhân được giảm thời giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần. Việc này sẽ giúp người lao động có thêm thời gian dành cho gia đình, vì hiện tại công việc đã chiếm hết thời gian của người lao động nên họ không có thời gian quan tâm nhiều đến gia đình”, chị Thuận bày tỏ.

Trước những giãi bày của công nhân lao động về mong muốn được giảm giờ làm để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, trao đổi tại Diễn đàn người lao động năm 2023, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ, đây là trăn trở của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan quản lý lao động cũng như Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Theo bà Thúy Anh, quy định khuyến khích chủ sử dụng lao động giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần với người lao động là quy định không mới. Bộ luật Lao động trước đây đã khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện thời giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần đối với người lao động. Tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ là khuyến khích chủ sử dụng lao động áp dụng.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện giảm giờ làm cho người lao động, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc này cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tăng năng suất lao động. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị tổ chức Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn Công đoàn cơ sở tiếp tục quan tâm đến thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, trong đó có chú trọng đến nội dung giảm thời giờ làm việc cho người lao động.

Ghi nhận và đánh giá cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thương lượng, ký kết các Thỏa ước lao động tập thể, trong đó nhiều bản Thỏa ước được ký kết giữa Công đoàn và người sử dụng lao động đã giảm thời gian lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, thậm chí thấp hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: Tổ chức Công đoàn đã từng tổ chức hội nghị biểu dương các Công đoàn cơ sở tiêu biểu có Thỏa ước lao động tập thể có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. Trên cơ sở đó, Công đoàn cần tiếp tục nhân rộng mô hình, lan tỏa các cách làm hay, từ đó khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp cùng triển khai thực hiện giảm thời gian làm việc trong tuần của người lao động.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này