Làm sao thu nhập người trồng lúa phải tỷ lệ thuận với xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?

20:54 | 15/08/2023
(LĐTĐ) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất.
Tiến hành chất vấn hai Bộ trưởng Tư pháp và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Sẽ siết chặt một số quy định để giảm thông đồng, dìm giá Chậm ban hành văn bản: Có ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, người dân

Người nông dân vẫn có cuộc sống khó khăn

Chiều 15/8, tiếp tục Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ NN&PTNT. Vấn đề xuất khẩu gạo, bảo đảm an ninh lương thực… được nhiều đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn, nghĩa là cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của nghịch lý này và các giải pháp trong thời gian tới?

Làm sao thu nhập người trồng lúa phải tỷ lệ thuận với xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chất vấn từ điểm cầu tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội

Cho biết thời gian gần đây giá lúa gạo tăng cao, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) nhìn nhận điều này vừa tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, vừa mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao.

Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Nêu vấn đề đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới…

Nông nghiệp Việt Nam gắn với "3 chữ biến"

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày, đây cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân.

Làm sao thu nhập người trồng lúa phải tỷ lệ thuận với xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời các đại biểu. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ hết sức quan tâm, trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí. Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa, có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Nếu người nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó, thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác.

“Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn, thì người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, người nông dân cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Bộ trưởng phân tích giá nông sản quyết định bởi cung cầu, cầu tăng mà cung không tăng thì giá sẽ lên. Nhưng ngoài bài toán cung cầu còn tình trạng cố tình đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn. “Tôi mong bà con nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau về thời cơ, mua bán không chỉ vì vấn đề được lợi trước mắt”, Bộ trưởng nói.

Làm sao thu nhập người trồng lúa phải tỷ lệ thuận với xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?
Các đại biểu họp phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Về vấn đề an ninh lương thực, Bộ trưởng cho biết hiện đã tiếp cận theo hướng an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng. Đây là phạm trù rộng, an ninh lương thực không chỉ là lúa, gạo mà còn là các sản phẩm ngũ cốc để cân bằng dinh dưỡng. Vì vậy, phải nâng cao cách tiếp cận cho người dân thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chứ không chỉ khuyến khích người dân trồng các sản phẩm khác ngoài lúa, gạo.

Theo Bộ trưởng, nông nghiệp Việt Nam gắn với "3 chữ biến" (biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững) nên tính dự báo cũng khó cầu toàn. Về an ninh lương thực, một số quốc gia ban lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo tạo ra sự hồ hởi cho Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta phải lo an ninh lương thực, không gây sốc cho thị trường nội địa do giá gạo tăng.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa…

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này