Thành phố Hồ Chí Minh: Bứt phá từ các chính sách đặc thù

11:30 | 29/06/2023
(LĐTĐ) Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết (NQ) mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thay thế NQ 54/2017/QH14 (NQ54) trước đó. Điều này thể hiện sự kỳ vọng lớn lao của Trung ương dành cho Thành phố (TP) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện hơn, giúp cho các sáng kiến, những suy nghĩ, dám nghĩ, dám làm của TP.HCM có cơ sở thực hiện; qua đó thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, xứng đáng với vị trí, vai trò dẫn dắt của một “đầu tàu kinh tế”.
Cần chính sách đặc thù để phát triển tài năng thể dục thể thao cho TP.HCM Quốc hội cho phép thành phố Hồ Chí Minh áp dụng chính sách vượt trội để phát triển

Thêm nhiều đột phá

NQ 54 đã tạo một số cơ chế đặc thù cho TP.HCM và trong NQ mới thay thế lần này, Trung ương đã trao thêm nhiều đặc thù khác mang tính đột phá hơn cho TP. Cụ thể NQ mới quy định 44 cơ chế, chính sách khá toàn diện, trong đó có nhóm chính sách mới áp dụng 7 lĩnh vực gồm quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức; tổ chức bộ máy TP.HCM.

Thành phố Hồ Chí Minh: Bứt phá từ các chính sách đặc thù

Ngày 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Đơn cử, TP.HCM được áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức BT; cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố (HFIC)…

Đáng chú ý là chính sách mới khơi thông rào cản để TP.HCM phát triển hạ tầng đô thị vốn là điểm nghẽn rất lớn, tồn tại lâu nay. Cụ thể TP được thực hiện mô hình phát triển đô thị TOD, trong đó Hội đồng nhân dân (HĐND) TP được quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư.

TP thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân (UBND) TP tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Một điểm đáng chú ý là TP.HCM được thực hiện trở lại hợp đồng BT vốn đã được Quốc hội khóa XIV quyết định tạm ngưng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Cùng với đó, TP được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.

Sớm hiện thực hóa Nghị quyết

Tại hội thảo: "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM” tổ chức mới đây ngay sau khi NQ mới được Quốc hội thông qua, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: NQ mới đã đưa ra những cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay mà Quốc hội thông qua với mong muốn khơi dậy tiềm năng mảnh đất của những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới như TP.HCM.

Thành phố Hồ Chí Minh: Bứt phá từ các chính sách đặc thù
Quốc hội đã trao thêm nhiều chính sách đặc thù để TP.HCM phát triển xứng tầm.

“NQ mới gồm 44 cơ chế, chính sách, trong đó có 7 cơ chế kế thừa từ NQ 54, có 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác, 6 cơ chế đang trong quá trình trao đổi, thông qua thời gian tới mà TP.HCM được đi trước và 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho TP.HCM”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: TP đang rất khẩn trương chuẩn bị về tâm thế, các nội dung, điều kiện... để đầu tháng 7/2023 sẽ tổ chức hội nghị toàn TP triển khai NQ mới. Trong quá trình đó, TP sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương, các viện, trường, các chuyên gia để cụ thể hóa hơn các cơ chế, chính sách, sắp xếp ưu tiên để triển khai nhằm đạt kết quả cao nhất.

Trong lĩnh vực đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho hay, rút kinh nghiệm từ NQ 54, lần này TP đã sớm ban hành kế hoạch, bám sát các bộ, ngành và cơ quan liên quan, đề ra những nhiệm vụ cụ thể với tinh thần chủ động, sẵn sàng đón NQ mới. Từng đầu việc được phân công cho các sở, ban, ngành với trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng, trong từng quý sẽ có từng nhiệm vụ riêng; các đầu việc được yêu cầu triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ và tương ứng 7 lĩnh vực. Trong tháng 7/2023 UBND TP.HCM sẽ có 8 tờ trình gửi HĐND TP về các cơ chế, chính sách liên quan phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), thu hồi đất...

Về lĩnh vực hạ tầng giao thông, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho hay, ngành GTVT TP đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND TP để xây dựng kế hoạch triển khai việc áp dụng hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu. Với mô hình TOD, Sở GTVT chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 thuộc địa phận TP cũng như phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc TP đề xuất danh mục dự án đầu tư công độc lập để khai thác quỹ đất bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

Đối với việc thực hiện nhóm chính sách mới về tổ chức bộ máy hành chính TP.HCM, thành phố Thủ Đức, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, NQ mới cho phép TP tổ chức bộ máy cán bộ, công chức phù hợp với vai trò, tầm vóc, chủ động biên chế cấp cơ sở; TP cần sắp xếp lại bộ máy hiệu quả gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, từng công việc và phải có đầu mối rõ ràng.

Trong khi đó, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: NQ mới quy định vấn đề phân cấp, phân quyền để phân định quyền hạn, trách nhiệm của người thực thi, người quản lý, rất phù hợp với môi trường năng động, sáng tạo của TP.HCM. Bên cạnh đó, TP cũng cần chủ động xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đúng tầm để cán bộ toàn tâm, toàn ý phục vụ người dân tốt hơn và khuyến khích người tài vào bộ máy.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Tổ công tác có 26 thành viên, do Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai làm Tổ phó. Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Xuân Tình – Thành Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này