Đừng để rác thải nhựa ảnh hưởng đến du lịch

17:07 | 14/06/2023
(LĐTĐ) Phao xốp, rác thải chai lọ, hộp nhựa tràn ngập tại các bãi biển, điểm du lịch đang là nỗi ám ảnh của nhiều khách du lịch, nhất là khách quốc tế...
Hiệu quả mô hình thu gom rác thải nhựa Hơn 500 nghìn tấn nilon thải ra môi trường mỗi năm Nỗ lực chống rác thải nhựa, vì một Thủ đô phát triển bền vững

Rác thải nhựa tràn lan tại bờ biển Vũng Tàu

Trong những ngày hè tháng 6 oi ả, nhiều khách du lịch đã lựa chọn Vũng Tàu để nghĩ dưỡng, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của miền biển. Tuy nhiên, rác thải từ hoạt động vui chơi, ăn uống, giải trí của du khách đã gây mất mỹ quan tại bãi biển Vũng Tàu.

Theo ghi nhận, thời điểm này không khó bắt gặp hình ảnh túi ni lông, chai lọ, vỏ bánh kẹo, thùng xốp, thậm chí là thức ăn thừa tràn lan không được thu gom dọc bãi biển.

Đừng để rác thải nhựa ảnh hưởng đến du lịch
Rác thải nhựa tràn lan tại bờ biển Vũng Tàu.

Đáng chú ý, dù đã có biển hiệu nhắc nhở “Cỏ đang bị thương, vui lòng đi trên đá”, nhiều người dân vẫn ngang nhiên tổ chức cắm trại ngay trên bãi cỏ, từ đó gia tăng tình trạng ô nhiễm rác thải sau mỗi hoạt động ăn uống vui chơi.

Không chỉ có khu vực ven biển, tại chính bờ biển cũng xảy ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải ngổn ngang trải dọc bờ biển như túi ni lông, thân cây, lon uống nước gây ảnh hưởng đến hình ảnh thiên nhiên xanh, sạch, đẹp của thành phố Vũng Tàu trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.

Hậu quả lớn nhất của hành động xả rác bừa bãi tại các bờ biển gây nên tình trạng đáng báo động cho hệ sinh thái khi mỗi loại nhựa có thời gian phân hủy rất dài. Hơn nữa, rác thải không được xử lý trôi dạt trên biển sẽ làm thay đổi môi trường nước và không khí, các loài sinh vật biển khi ăn phải sẽ dẫn đến ngộ độc, thậm chí mất cân bằng hệ sinh thái.

Vấn nạn từ “ô nhiễm trắng” đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển, các ngành kinh tế biển, hoạt động du lịch cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe cho con người.

Mặc dù đã có các biển hiệu cảnh báo từ các cơ quan chức năng của thành phố Vũng Tàu như: “Không ăn uống”, “Không xả rác dưới biển”, “Nếu quý khách vi phạm sẽ trục xuất ra khỏi khu du lịch”… nhưng nhiều người dân vẫn không chấp hành đúng quy định.

Anh Vũ Trọng Hiếu (khách du lịch từ Hải Phòng) chia sẻ: “Đi dọc bờ biển, tôi nhìn thấy rất nhiều rác thải vứt bừa bãi, không được thu gom sạch sẽ. Phần lớn là do ý thức của mỗi người chưa tốt, chưa có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tôi thấy cũng có khá ít thùng rác xung quanh bãi biển nên xảy ra tình trạng người dân không có chỗ để vứt rác”.

Cũng theo anh Hiếu, chính quyền, ban quản lý cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, nâng cao ý thức của người dân, đồng thời giám sát chặt chẽ và có các hình thức xử lý nghiêm khắc những người cố tình vi phạm.

Giảm thiểu rác thải nhựa là xu hướng phát triển

Trên thực tế, ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu do gây ra những tác động rất nguy hại tới môi trường, đặc biệt môi trường biển. Trong những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường. Việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển du lịch tất yếu.

Đừng để rác thải nhựa ảnh hưởng đến du lịch
Gia tăng tình trạng ô nhiễm rác thải sau mỗi hoạt động ăn uống vui chơi.

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường biển. Cụ thể, trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là rà soát, tổng hợp, đánh giá các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến rác thải nhựa mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thực thi; các quy định pháp luật trong nước có liên quan đến quản lý nhựa, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương; điều tra, đánh giá và xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương; theo dõi, thu thập thông tin, dữ liệu tại các diễn đàn quốc tế, tổng hợp các chương trình, dự án, các sáng kiến cấp khu vực, toàn cầu liên quan đến rác thải nhựa đại dương…

Bên cạnh đó, nhìn nhận được tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững, cũng trong năm 2021, Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam cũng đã góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa, sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt…

Phấn đấu đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt…

Cùng với những chính sách được đặt ra, mỗi người dân, đặc biệt là khách du lịch cần ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông, chai nhựa để góp phần vì cuộc sống xanh, lành mạnh.

Hải Thủy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này