Khi đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm

14:44 | 23/05/2023
(LĐTĐ) Trong các địa phương của Hà Nội, huyện Ba Vì là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xác định rõ việc gìn giữ nét văn hóa đặc trưng, nâng cao đời sống tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, các địa phương trong huyện đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm giữ gìn, phát huy giá trị này.
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn Chú trọng nâng cao đời sống tinh thần

Nhiều tiềm năng

Ba Vì là một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống. Theo danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 5745/QĐ - UBND ngày 14/10/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thì huyện Ba Vì có 397 di tích.

Trong đó có 115 đình, 112 chùa, 65 nhà thờ họ, nhà thờ danh nhân, 56 đền, 4 khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn lại là các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, miếu, văn chỉ, điếm, quán, cổng làng... Tính đến tháng 12/2022, huyện Ba Vì có 129 di tích đã được xếp hạng.

Khi đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm
Đến Ba Vì du khách sẽ được thưởng thức tiếng chiêng Mường và điệu múa truyền thống của những cô gái Mường. Ảnh: Luyện Đinh

Đáng chú ý, di sản văn hóa phi vật thể, huyện Ba Vì đứng tốp đầu địa phương có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất của thành phố Hà Nội. Theo kết quả tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn Thành phố giai đoạn 2013 - 2015 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn huyện Ba Vì có 126 di sản văn hóa phi vật thể, tập trung ở 29/31 xã, thị trấn. Trong đó, có 17 di sản được ưu tiên bảo vệ như nghệ thuật cồng chiêng của người Mường, múa chuông, múa rùa của đồng bào dân tộc Dao, xã Ba Vì…

Để nâng cao đời sống tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số, những năm vừa qua, thực hiện đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì” của Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, các địa phương trên địa bàn đã có những hoạt động thiết thực, tích cực nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Mường, Dao.

Ví dụ, hiện ở Minh Quang có nhiều thôn đã có đội cồng chiêng riêng, góp phần giữ gìn nét văn hóa của người Mường. Ngoài ra cũng có nhiều nghệ nhân tham gia công tác sưu tầm, sáng tác lời cho cồng chiêng bằng tiếng Mường. Cùng với đó, xã cũng tổ chức Hội thi nói tiếng dân tộc Mường. Đặc biệt, các hoạt động, các lễ hội trên địa bàn cũng được quan tâm như lễ hội cồng chiêng, múa hát theo làn điệu; thành lập các câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về tiếng nói, trang phục…

Gìn giữ cồng chiêng

Tại huyện Ba Vì, việc gìn giữ cồng chiêng được quan tâm, nhờ vậy góp phân tích cực lưu giữ bản sắc của đồng bào dân tộc Mường. Chẳng hạn, nhiều địa phương đã và đang có phong trào phát triển mạnh là Minh Quang, Ba Trại, Vân Hòa… Tại những nơi này, trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán, nhất là ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thì tiếng nói, trang phục, làn điệu dân ca hát sắc bùa, múa sạp đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số lại ngân vang.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Hoà chia sẻ, do là xã miền núi nên Vân Hòa có tỷ lệ người dân tộc chiếm 48%, trong đó có 2 dân tộc sinh sống chủ yếu là Kinh, Mường và một số ít dân tộc khác. Những khó khăn khi phát triển kinh tế sao cho đồng bộ là khó tránh khỏi. Nhưng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân xã, sự quan tâm của huyện và Thành phố, Vân Hòa đã có những bước tiến dài trên chặng đường nâng cao đời sống người dân.

Theo ông Nguyễn Phi Long, do là một trong những địa phương có nhiều người dân tộc Mường sinh sống, nơi đây, văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống. Cồng chiêng tham gia vào tất cả hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của bà con. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tại xã đã có nhiều câu lạc bộ cồng chiêng đã được thành lập, góp phần truyền giữ những nét đặc sắc trong văn hóa đến thế hệ mai sau.

Từ ví dụ trong gìn giữ cồng chiêng ở Ba Vì có thể thấy, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân để người dân có ý thức chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng. Hơn hết, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với nghệ nhân dân gian, những người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc để tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ để đời sống tinh thần ngày càng phong phú, đủ đầy.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này