Nỗ lực giảm thiểu tai nạn lao động

10:50 | 18/05/2023
(LĐTĐ) Xác định an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là công tác quan trọng, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người và môi trường làm việc của người lao động (NLĐ), thời gian qua, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã phối hợp triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm ATVSLĐ, kiềm chế sự gia tăng tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn.
Hỗ trợ khám chữa bệnh nghề nghiệp, những điều cần biết Gia tăng thiệt hại do tai nạn lao động Thiết thực quan tâm, chia sẻ khó khăn với công nhân bị tai nạn lao động

Đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện về an toàn lao động

Năm 2022, sau những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp của Thủ đô và cả nước gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Điều này phần nào khiến cho các doanh nghiệp quan tâm tới sức khỏe của NLĐ; đầu tư cải thiện môi trường làm việc tại các doanh nghiệp gặp những hạn chế nhất định. Trước thực trạng đó, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đời sống việc làm cho NLĐ, vừa đảm bảo ATVSLĐ, ngăn ngừa TNLĐ, bảo vệ sức khỏe cho NLĐ.

Nỗ lực giảm thiểu tai nạn lao động
Huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội.

Biện pháp đầu tiên được Thành phố chú trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ về công tác ATVSLĐ đồng thời tăng cường huấn luyện ATVSLĐ cho chủ sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn lao động và NLĐ…

Theo thống kê, trong năm qua, trên địa bàn Thành phố đã có hơn 232 nghìn người được tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ. Trong đó, riêng LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tuyên truyền, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Ngoài ra, các Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức 1.715 lớp tập huấn cho 95.970 lượt cán bộ Công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và NLĐ tại cơ sở.

Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cũng được cơ quan chức năng của Thành phố thực hiện chặt chẽ. Năm qua, hơn 22.900 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã được cơ quan chức năng của Thành phố kiểm định kỹ thuật an toàn. Cơ quan chức năng Thành phố cũng đã tiếp nhận khai báo 4.145 máy, thiết bị cho 499 lượt đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Thông qua công tác tuyên truyền, huấn luyện, kiểm định các thiết bị máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ và công dân Thủ đô về công tác ATVSLĐ. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có những hành động thiết thực như: Chủ động xây dựng bộ máy làm công tác ATVSLĐ, xây dựng các kịch bản ứng phó thích ứng với phòng chống dịch bệnh; đầu tư kinh phí mua sắm máy, thiết bị, cải tiến công nghệ sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động, qua đó hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tai nạn lao động được kiềm chế

Song song với tuyên truyền, huấn luyện, công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị thực hiện ATVSLĐ cũng được Thành phố triển khai tích cực. UBND Thành phố đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp.

Năm 2022, qua kiểm tra 151 đơn vị, công trình xây dựng, các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố đã đưa ra hơn 400 kiến nghị yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về ATVSLĐ. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tạm đình chỉ 15 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vi phạm quy định về an toàn trong quá trình sử dụng; xử phạt vi phạm hành chính 29 đơn vị, công trình xây dựng vi phạm về ATVSLĐ.

Cùng với Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra về công tác ATVSLĐ ở 715 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và đã có 1.345 kiến nghị yêu cầu các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, thiếu sót về công tác ATVSLĐ.

Có thể nói, những biện pháp đồng bộ, thiết thực như trên đã giúp cho công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điều này thấy rõ ở việc, năm qua, tình hình TNLĐ; cháy, nổ trên địa bàn Thành phố đã được phòng ngừa, kiềm chế; giảm thiểu thiệt hại về người, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND Thành phố, năm qua, trên địa bàn Thành phố xảy ra 194 vụ TNLĐ làm 198 NLĐ bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ theo hợp đồng lao động có 114 vụ làm 116 người bị nạn (25 người chết, 36 người thương nặng, 55 người thương nhẹ); số vụ TNLĐ không theo hợp đồng lao động 82 vụ TNLĐ làm 84 người bị nạn, làm 17 người chết và 36 người bị thương nặng.

So sánh với tình hình TNLĐ của năm 2021, năm 2022, số vụ TNLĐ nghiêm trọng (có người chết) giảm 1 vụ, số người chết giảm 1 người, số người bị thương nặng giảm 41 người so với năm 2021. Còn tính từ năm 2020 đến nay, Hà Nội đã chuyển từ vị trí đứng thứ 2 cả nước xuống vị trí thứ 6 của cả nước về số vụ TNLĐ. (Năm 2020, Hà Nội xảy ra 388 vụ TNLĐ, có 66 người chết, là địa phương có số vụ TNLĐ đứng thứ 2 cả nước; năm 2021; Hà Nội xảy ra 275 vụ TNLĐ làm 43 người chết, vẫn đứng thứ 2 cả nước về số vụ TNLĐ; năm 2022, số vụ TNLĐ trên địa bàn Hà Nội là 194 vụ, đứng vị trí thứ 6 cả nước).

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này