Nhiều giải pháp kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM

13:28 | 17/05/2023
(LĐTĐ) Các sở ngành, chính quyền địa phương thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã triển khai hàng loạt giải pháp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU (Chỉ thị 23) ngày 25/7/2019 của Thành ủy TP.HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Hà Nội không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện mới xử lý Xử lý sai phạm xây dựng và phân lô tách thửa sau phản ánh của Báo Lao động Thủ đô Đồng Nai: Chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng

Thực hiện Chỉ thị 23, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 3333/KH-UBND đề ra 7 nhóm giải pháp với 56 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó nhóm 1 là các giải pháp về quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất; nhóm 2 là các giải pháp về tổ chức bộ máy; nhóm 3 là giải pháp về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; nhóm 4 là giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; nhóm 5 là giải pháp về quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; nhóm 6 là giải pháp về giám sát, kiểm tra bằng công nghệ; nhóm 7 là giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp.

Nhiều giải pháp kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM
Một công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM.

Thông tin về kết quả thực hiện các nhóm giải pháp nêu trên, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, không phát sinh điểm nóng, phức tạp về vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Bình quân số vụ vi phạm trên 1 ngày giảm so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23.

Cụ thể, sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị 23, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn Thành phố được phát hiện là 2.631 công trình, bình quân 1,9 vụ/ngày, giảm 6,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 77,8% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23 là 8,5 vụ/ngày. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, tổng số công trình vi phạm là 110 công trình, bình quân số vụ vi phạm trên 1 ngày là 0,9 vụ/ngày, giảm 7,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 89,2%.

Việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 đã góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kéo giảm tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên, ý thức chấp hành nhiệm vụ công vụ, tinh thần chủ động, sáng tạo của công chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số giải pháp chưa hoặc chậm thực hiện như việc tham mưu quyết định thay thế Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND (Quyết định 60) ngày 5/12/2017 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn Thành phố. Việc ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng và xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý đấu nối, cung cấp dịch vụ điện nước cho công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa thực hiện được do vướng quy định pháp luật liên quan (Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Xây dựng 2014…)

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 60, thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 1/6/2023.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện ra soát, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện các đồ án về quy hoạch xây dựng trên địa bàn đã được phê duyệt; các hạn chế, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện và đề ra giải pháp giải quyết, thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 10/6/2023. Khẩn trương thực hiện hoàn thành Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060.

UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành còn tồn đọng trên địa bàn trong 6 tháng cuối năm 2023, thời hạn ban hành kế hoạch trước ngày 10/6/2023.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Thời gian qua, TP.HCM đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường. Đơn cử, UBND TP.HCM đã ban hành đề án ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn Thành phố. Xây dựng ứng dụng phần mềm trực tuyến để tiếp nhận ý kiến của người dân về quy hoạch, đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn như Cổng thông tin điện tử 1022, Trang thông tin điện tử của quận, huyện, ứng dụng zalo, trang mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng…

Sở Xây dựng đã xây dựng ứng dụng “Sở Xây dựng trực tuyến - App mobile SXD247”, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức nghiên cứu và xây dựng ứng dụng “Thông tin Quy hoạch TP.HCM”, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây dựng và công bố “Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường”.

* UBND TP.HCM giao Thanh tra Thành phố thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục các thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi; tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Công an TP.HCM, Công an thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chủ động rà soát các tổ chức, cá nhân đã bị xử lý vi phạm hành chính liên đến vi phạm về đất đai, xây dựng làm cơ sở để xử lý hình sự nếu tiếp tục vi phạm và hỗ trợ các cơ quan chức năng xác minh nhân thân, lai lịch của đối tượng để phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Đồng thời tiếp nhận và tổ chức các hoạt động điều tra, xử lý theo quy định.

Trần Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này