Đề xuất Bộ GTVT làm cơ quan điều phối dự án Vành đai 4 TP.HCM

13:06 | 09/05/2023
(LĐTĐ) Trước những khó khăn của địa phương và tính chất dự án, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Long An đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối dự án đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Đồng chí Bùi Xuân Cường được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tìm cơ chế nguồn vốn và giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3 TP.HCM TP.HCM: Xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ lễ

Trước đó ngày 15/4/2023 tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Long An là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối dự án đường Vành đai 4 TP.HCM trên cơ sở là địa phương có đoạn dài nhất đi qua.

Tuy nhiên theo UBND tỉnh Long An, mặc dù có đoạn vành đai 4 đi qua dài nhất nhưng tỉnh Long An không đủ tầm ảnh hưởng để tổng hợp, điều phối, triển khai dự án tầm cỡ lớn, có tính chất liên vùng.

Đề xuất Bộ GTVT làm cơ quan điều phối dự án Vành đai 4 TP.HCM
Bình đồ hướng tuyến đường vành đai 4 TP.HCM. Ảnh: Chinhphu.vn

Tỉnh Long An cũng chưa từng triển khai dự án lớn như vậy, do đó nếu giao Long An làm cơ quan tổng hợp, điều phối dự án sẽ rất khó khăn và có thể sẽ gây chậm trễ cho việc triển khai để dự án hoàn thành theo kế hoạch.

Long An là 1 trong 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, việc giao tỉnh Long An tổng hợp, điều phối thực hiện dự án đường Vành đai 4 TP.HCM với các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam Bộ là không phù hợp.

Đường vành đai 4 TP.HCM dài khoảng 200km, đi qua các địa phương TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Hiện các địa phương đang lập báo cáo tiền khả thi từng đoạn qua địa bàn. Trong đó, ở giai đoạn 1, dự án đầu tư 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên. Dự án đặt mục tiêu sẽ khởi công năm 2024 và thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào năm 2027.

Trong khi đó dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tính chất liên vùng, liên kết các địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc dự án nhóm A cần Quốc hội thông qua. Do đó cần giao nhiệm vụ cho một cơ quan tổng hợp, điều phối đủ mạnh về mặt pháp lý, kinh nghiệm thực hiện điều phối dự án lớn, có tính chất trọng điểm quốc gia sẽ phù hợp hơn là để một tỉnh hoặc TP.HCM đại diện triển khai.

Tháng 6/2023 khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Liên quan đến tiến độ triển khai dự án đường vành đai, theo Sở GTVT TP.HCM, dự án đường vành đai 3 (dài 76,34km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tổng mức đầu tư sơ bộ 75.378 tỷ đồng), hiện các địa phương đang lên kế hoạch triển khai niêm yết công khai chính sách, phương án và gửi quyết định thu hồi đất, tái định cư đến người dân.

Trong khi đó, để đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho dự án, TP.HCM đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng. Về cơ bản, đất đắp nền đường, cát xây dựng, đá xây dựng các loại đáp ứng nguồn cung, riêng cát đắp nền đường (khoảng 7,2 triệu m3) đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp. Dự kiến trong tháng 5/2023 sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đến tháng 6/2023 sẽ khởi công dự án đường Vành đai 3.

Trần Tình - Thành Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này