Tăng cường truyền thông về phát triển sự nghiệp văn hóa

16:46 | 04/05/2023
(LĐTĐ) Để văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển, là nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền.
Hà Nội: Thêm 3 "không gian văn hóa" được nghiên cứu để mở phố đi bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng điểm đến du lịch “hấp dẫn - an toàn và sống động” Phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

Với vị thế Hà Nội là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”, trong những năm qua, phát triển sự nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước và Thành phố đặc biệt quan tâm.

Tăng cường truyền thông về phát triển sự nghiệp văn hóa
Hà Nội có nhiều tiềm năng sáng tạo từ nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô.

Nghị quyết số 15- NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, “Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô”.

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng xác định mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển, là nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội, công tác truyền thông luôn được chú trọng.

Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung tuyên truyền về văn hóa.

Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan báo chí Hà Nội, các báo Trung ương và địa phương phối hợp công tác tuyên truyền với Thành phố, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025; tuyên truyền các chương trình, kế hoạch, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh và thực hiện 2 Quy tắc ứng xử của Thành phố; công tác triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn...

Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 40 văn bản đề nghị các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội, các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương khác ký Chương trình phối hợp; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở, Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường truyền thông về phát triển sự nghiệp văn hóa
Người dân chọn lựa sách tại Phố Sách Hà Nội.

Nhiều nội dung liên quan đến phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã được các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và Hà Nội; hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước; các sự kiện chính trị - đối ngoại quan trọng của đất nước diễn ra trên địa bàn Thủ đô; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; Hội nghị, Hội thảo khoa học quốc tế; các hoạt động về Hội sách Hà Nội và văn hóa đọc trên địa bàn Thành phố...

Các cơ quan báo chí của Thành phố cũng xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền đăng tải nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự tôn vinh và lan tỏa những thông tin tích cực, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nhằm tăng cường lan tỏa những thông tin tích cực trên không gian mạng, qua đó góp phần đẩy lùi những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Đề án “Tăng cường thông tin tích cực trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2025”…

Năm 2023, với mục tiêu quảng bá, tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong và ngoài nước, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND Thành phố tổ chức Hội sách Hà Nội thường niên nhân Ngày Giải phóng Thủ đô từ năm 2014 đến nay (gián đoạn 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid- 19); phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai và xây dựng công trình Phố Sách Hà Nội tại phố 19/12 (quận Hoàn Kiếm) và 4 lần tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức) để trưng bày và giới thiệu sách tiêu biểu về lịch sử - văn hóa Việt Nam và Hà Nội bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; quảng bá, giới thiệu về du lịch, nghệ thuật và ẩm thực truyền thống Hà Nội - Việt Nam… cho bạn bè quốc tế.

Để phát huy hơn nữa vai trò của công tác truyền thông về phát triển sự nghiệp văn hóa góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, theo Sở Thông tin và Truyền thông các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh hình thức tuyên truyền tin, bài truyền thống, hướng dẫn, khuyến khích các cơ quan báo chí Thành phố ứng dụng công nghệ thông tin triển khai tin, bài tuyên truyền dưới các hình thức media trực tuyến như: infographic, megastory, longform; xây dựng các video, clip ngắn tuyên truyền về Hà Nội…

Tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm lan tỏa văn hóa đọc: Phố Sách Xuân, Hội Sách Hà Nội, các Hội sách quốc tế, các hoạt động về sách... nhằm tăng cường hoạt động giới thiệu sách, trao đổi bản quyền.

Tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa thông tin về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Thành phố trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Triển khai đồng bộ, đa dạng các kênh thông tin, tuyên truyền như: bên cạnh những phương thức truyền thông truyền thống (phát thanh, truyền hình, báo in, pano, áp phích, tờ rơi…) chủ động triển khai các phương thức truyền thông mới trên các nền tảng số: facebook, zalo, ticktok, instagram… để tạo độ lan tỏa thông tin nhanh chóng, phổ cập, đa dạng hóa cách tiếp cận.

Song song với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, thẩm định, kịp thời ngăn chặn, bóc, gỡ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng trên không gian mạng.

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này