Vai trò Công đoàn cơ sở trong việc tham gia đối thoại tại nơi làm việc

16:45 | 04/05/2023
(LĐTĐ) Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ nhằm ngăn ngừa và hạn chế các tranh chấp lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là các Công đoàn cơ sở trực tiếp tại doanh nghiệp.
Quyết tâm xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và phát triển Quận Tây Hồ: Ra mắt 2 Công đoàn cơ sở dịp Tháng Công nhân Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng

Mới đây, tại Đại hội Công đoàn quận Bắc Từ Liêm, nhiệm kỳ 2023 - 2028, trong phần tham luận của mình, đồng chí Đỗ Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sơn Kova đã nêu lên các giải pháp để Công đoàn cơ sở nâng cao vai trò trong hoạt động đối thoại tại nơi làm việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

Nói về hoạt động tại đơn vị, đồng chí Đỗ Hoàng Sơn cho biết: Trong những năm qua, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Sơn Kova luôn đoàn kết thống nhất và phối hợp chặt chẽ với Ban lãnh đạo Công ty để chỉ đạo tổ chức tốt các chương trình hoạt động của công đoàn. Trong số những kết quả mà Công đoàn Công ty đã đạt được trong các chương trình hoạt động phải kể đến công tác đối thoại tại nơi làm việc nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, ngăn ngừa, hạn chế các tranh chấp lao động.

“Đối thoại tại nơi làm việc là việc trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin. Công đoàn Công ty TNHH Sơn Kova có nhiều đoàn viên hoạt động chuyên sâu về những mảng công việc cụ thể. Chất lượng chuyên môn của tập thể được làm nên từ chất lượng chuyên môn của mỗi cá nhân. Có thể nói, mỗi cá nhân nói riêng, tập thể nói chung yên tâm công tác, đầu tư cho chất lượng chuyên môn tốt khi tiếng nói cũng như cá tính mỗi cá nhân được bảo vệ, những lợi ích hợp pháp được thỏa mãn, đời sống được cải thiện và nâng cao”, đồng chí Sơn nhấn mạnh.

Vai trò của Công đoàn cơ sở tham gia đối thoại tại nơi làm việc
Đồng chí Đỗ Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sơn Kova trình bày về vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc tham gia đối thoại tại nơi làm việc.

Cũng theo đồng chí Sơn, để đáp ứng những yêu cầu trên không ai khác ngoài tổ chức Công đoàn. Bởi, Công đoàn là tiếng nói đại diện cho tập thể cán bộ nhân viên và người lao động trên mọi hoạt động. Để làm tốt công việc này, trong những năm qua Công đoàn Công ty luôn xác định việc đối thoại tại nơi làm việc là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu của tổ chức Công đoàn.

Vì những lý do trên, hàng năm, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã phối hợp tốt với Ban lãnh đạo Công ty thực hiện công tác đối thoại tại nơi làm việc ít nhất 1 lần/năm. Tại hội nghị, toàn thể người lao động được đối thoại trực tiếp qua phần hỏi đáp. Các nội dung được xoay quanh các vấn đề như Thỏa ước lao động tập thể, các chế độ phúc lợi cho người lao động, về bảo hiểm xã hội,… Tất cả các ý kiến của người lao động đều được Ban lãnh đạo Công ty tiếp nhận và trả lời, chính điều này đã tạo lòng tin cho người lao động.

Nhờ thực hiện tốt việc đối thoại tại nơi làm việc mà Công ty chưa phát sinh vụ đình công hay ngừng việc tập thể nào, không có trường hợp công ty nợ đọng bảo hiểm, lương thưởng cho người lao động. Tình hình sản xuất kinh doanh luôn ổn định và lợi nhuận tăng đều theo từng năm nên thu nhập bình quân của người lao động cũng được cải thiện.

“Có được kết quả trên, trước hết là do Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã linh hoạt và kịp thời tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người lao động, luôn lắng nghe những băn khoăn, trăn trở của người lao động. Từ đó, đàm phán với người sử dụng lao động vì mục tiêu chung, đảm bảo quan hệ lao động tại doanh nghiệp được hài hòa ổn định”, đồng chí Sơn cho hay.

Để đạt mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, ngăn ngừa, hạn chế các tranh chấp lao động tại các Công đoàn cơ sở, đồng chí Sơn đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của Công đoàn trong hoạt động đối thoại tại nơi làm việc:

Thứ nhất, Công đoàn cơ sở cần nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn trong đó nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng của cán bộ Công đoàn bởi cán bộ Công đoàn có năng lực tốt mới có thể tham gia, thực hiện đối thoại có hiệu quả. Về phía Công đoàn cấp trên cũng cần tăng cường các khóa tập huấn luyện nghiệp vụ công đoàn và các kỹ năng cần thiết giúp cho cán bộ Công đoàn cơ sở có kiến thức luật pháp và lĩnh vực lao động, có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thương lượng, kỹ năng đối thoại,... để tham gia vào quá trình tương tác với người sử dụng lao động và thỏa thuận được những điều khoản có lợi cho người lao động.

Thứ hai, cán bộ Công đoàn cơ sở cần thể hiện sự chủ động và nắm vững các bước công việc cần phải làm trong đối thoại như: Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng dự thảo mới hoặc góp ý vào sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế đối thoại tại doanh nghiệp, quy chế tổ chức Hội nghị người lao động; tổ chức tốt việc lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến người lao động và những nội dung mới phát sinh cần trao đổi với người sử dụng lao động trước khi đối thoại; phân loại, lựa chọn các nội dung đối thoại, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên tham gia, tìm hiểu các căn cứ pháp luật, thực tế yêu cầu và điều kiện cụ thể để đối thoại; kết thúc buổi đối thoại phải có kết luận từng vấn đề cụ thể và thể hiện vào biên bản đối thoại, ghi rõ những nội dung đã thống nhất, biện pháp thực hiện, những nội dung còn có ý kiến khác nhau chưa thống nhất, cần bàn bạc giải quyết tiếp.

Thứ ba, cần nâng cao phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở; đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các hoạt động phong trào của Công đoàn cơ sở. Các hoạt động của Công đoàn cơ sở cần tập trung nâng cao nhận thức cho người lao động về pháp luật lao động, nâng cao nhận thức về quan hệ lao động. Tăng cường tổ chức các cuộc thi nhằm khẳng định rõ vai trò và chức năng của Công đoàn cơ sở đối với người lao động.

Thứ tư, để tăng hiệu quả đối thoại, mỗi doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành kết hợp nhiều kênh đối thoại khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và tình hình cụ thể từng doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và trang bị hạ tầng phục vụ cho hoạt động đối thoại thường xuyên như hệ thống loa, đài, tin nhắn SMS,... hay sử dụng ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Fanpage, website của doanh nghiệp trong trao đổi thông tin thông qua các nhóm nhằm chia sẻ, phổ biến các thông tin đến người lao động một cách nhanh nhất và kịp thời nhất.

Thứ năm, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp quận, Thành phố và Công đoàn cấp trên cơ sở cần giám sát, hỗ trợ kịp thời cho Công đoàn cơ sở trong các cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo chính quyền, người sử dụng lao động với người lao động trên địa bàn để nắm bắt tình hình, tư tưởng, giải quyết những kiến nghị và các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động để doanh nghiệp xây dựng, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Như vậy, đối thoại sẽ có vai trò quan trọng trong mỗi doanh nghiệp.

Để thực hiện tốt và có hiệu quả hoạt động này cần phải có sự tham gia tích cực của các chủ thể đặc biệt là về phía đại diện người lao động - Công đoàn cơ sở bởi đối thoại nhằm để giải quyết những vướng mắc, để người lao động có quyền được nói lên những mong muốn của bản thân và thể hiện quyền dân chủ tại nơi làm việc.

Vì vậy, tăng cường vai trò của Công đoàn cơ sở trong đối thoại không những giúp khẳng định vị thế của người lao động mà còn giúp Công đoàn cơ sở thực hiện tốt vai trò và chức năng của mình trong bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tại doanh nghiệp.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này