Người lao động TP.HCM muốn giữ nguyên quy định rút BHXH một lần

18:58 | 14/03/2023
(LĐTĐ) Liên quan đến việc việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, hầu hết đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho biết, nên giữ nguyên phương án 1 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đề xuất nếu chưa có phương án tối ưu.
TP.HCM: Yêu cầu các bệnh viện bảo mật thông tin người bệnh để tránh lừa đảo Giới thiệu cuốn sách "Người thầy" với độc giả TP.HCM Học sinh TP.HCM trải nghiệm "vai" giáo viên đứng lớp

Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo quý 1/2023 do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức ngày 14/3, đại diện Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP.HCM cho biết, qua khảo sát ý kiến người lao động để phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, đa số người lao động đều cho biết nên giữ nguyên phương án 1 do Bộ LĐTB&XH đề xuất nếu chưa có phương án tối ưu.

Trước đó, Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi với 2 phương án: Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút BHXH 1 lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Người lao động TP.HCM muốn giữ nguyên quy định rút BHXH một lần
Người lao động TP.HCM cho rằng nên giữ nguyên quy định về rút BHXH 1 lần như hiện hành.

Theo LĐLĐ TP.HCM, trong quý 1/2023, người lao động tại TP.HCM quan tâm đến tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine, lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động. Cùng với đó là tác động có tính chất tâm lý khi Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đối với 2.358 công nhân; có khoảng 3.000 công nhân hợp đồng từ 1 - 3 năm hết hạn công ty sẽ không tái ký hợp đồng lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.

Trước làn sóng cắt giảm việc làm do thiếu đơn hàng từ cuối năm 2022 kéo dài đến nay, người lao động đã tập trung quan tâm hơn về các thủ tục nhận hỗ trợ. Nhất là đối với những người bị giảm thời gian làm việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng với số tiền chi chăm lo từ 1 - 3 triệu đồng/trường hợp theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Trước tình hình đó, LĐLĐ TP.HCM đã đề nghị các cấp công đoàn và các cơ quan thẩm quyền quan tâm tạo điều kiện giúp đoàn viên, người lao động sớm nhận được tiền hỗ trợ cũng như kịp thời giải quyết việc làm mới cho lao động bị mất việc, sớm ổn định cuộc sống.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này