“Cởi trói” cho đất nông nghiệp

09:11 | 14/03/2023
(LĐTĐ) Thời gian qua, chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn những hạn chế, bất cập dẫn đến sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sau khi thông qua sẽ "cởi trói" cho đất nông nghiệp.
Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai một cách công bằng Các nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ quy hoạch sử dụng đất

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn những hạn chế, bất cập. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, thiếu tầm nhìn dài hạn. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân.

Thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, tài chính đất đai và giá đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong triển khai thực tiễn. Nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững.

“Cởi trói” cho đất nông nghiệp
Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất nông nghiệp còn nhiều, nhưng việc xử lý còn hạn chế. Tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, ruộng đất manh mún, lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thấp.

Tại Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu cho rằng, Luật đất đai (sửa đổi) cần tạo thuận lợi cho tích tụ đất nông nghiệp; cho phép các doanh nghiệp, các đơn vị công lập, các công ty nông lâm nghiệp được tự chủ cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp để liên doanh, liên kết sản xuất.

Tiến sĩ Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu vấn đề thực tiễn: Hiện nay, các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương phần lớn hoạt động khó khăn, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của địa phương, chưa thực hiện được chức năng tạo quỹ đất phát triển theo quy hoạch, kế hoạch do vướng mắc về cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế về tài chính.

Để “cởi trói” vấn đề này, cần tạo ra loại hình “Ngân hàng quyền sử dụng đất nông nghiệp” nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai, thúc đầy hình thành thị trường quyền sử dụng đất lành mạnh.

Cùng ý kiến liên quan đến tích tụ đất nông nghiệp, Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, nên có chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp để giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng.

Đối với vấn đề thuê, phí, theo ông Trần Công Thắng, thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp (đang có mức chung như bất động sản khác) hiện đang tương đối cao so với lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần giảm thuế, phí liên quan. Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành Nông nghiệp cần linh hoạt, hơn, nhất là đất lúa. Ngoài ra cần phải luật hóa hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất rừng sản xuất không phải rừng tự nhiên.

Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5 năm trở lên. Cá nhân, tổ chức đi thuê đất được thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm cũng gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn từ đất đai, do đó nên tăng chu kỳ trả tiền từ hàng năm thành từ 5-10 năm/một lần và cho phép thế chấp quyền sử dụng đất để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, Luật Đất đai 2013 được triển khai trong 10 năm nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp, trong đó, cần thể chế hoá các quy định về đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) phải giữ được đất, trồng cây gây rừng.

Dẫn chứng về trường hợp một khu đất 200ha sau khi cải tạo khó khăn để cấy lúa nhưng sau đó địa phương lại chủ trương đưa nước mặn vào để nuôi trồng thuỷ sản, ông Trần Mạnh Báo khẳng định, không giữ được đất là điều rất đáng tiếc.

Ông Trần Mạnh Báo cũng lưu ý về vấn đề hạn điền, đây là vấn đề bức xúc nhất cần được tháo gỡ. “Phải tăng lên về hạn mức giao đất, cho thuê đất mới có thể triển khai đầu tư quy mô lớn trong nông nghiệp, nếu giao nhỏ lẻ, manh mún 5ha, 10ha hay 30ha không thể “cởi trói” được cho doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn”, ông Trần Mạnh Báo khẳng định. Đồng thời kiến nghị cần nới rộng thời hạn thuê đất nông nghiệp và Luật cũng cần thể chế hoá nội dung đất sử dụng cho các dự án, công trình nông nghiệp.

“Nếu chúng ta làm công nghiệp có thể thuê đất trong khu công nghiệp, nhưng chế biến nông sản, chúng ta không thể đặt nhà máy chế biến trong khu công nghiệp được, vì trong đó có bụi mịn, hoá chất, ảnh hưởng tới sản phẩm nông nghiệp chế biến, không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Lúc đó chúng ta bán cho ai? Do đó, các đơn vị chế biến nông sản phải được đặt ở giữa khu vực nông nghiệp, tránh xa khu dân cư. Nên có quy định đối với đất dành cho khu chế biến nông sản riêng, không thể đặt nó trong các khu chế biến, sản xuất công nghiệp”, ông Trần Mạnh Báo kiến nghị.

Nhiều ý kiến cho rằng, với các dự án thu hồi đất để phục vụ các dự án kinh tế xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng, nhiều địa phương lúng túng đang không biết xếp các dự án chế biến nông lâm, thuỷ sản, chăn nuôi, trồng cây ăn quả có thuộc nhóm dự án nông nghiệp hay không. Điều đó gây trở ngại cho quá trình đầu tư và chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Bởi vậy. Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những quy định để “cởi trói” cho đất nông nghiệp để hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này