Tận dụng nguồn lao động từ nước ngoài trở về

08:50 | 09/03/2023
(LĐTĐ) Người lao động đi nước ngoài khi hồi hương được nhìn nhận có trình độ cao hơn về kỹ năng và tính chuyên nghiệp cũng như trình độ ngoại ngữ, đồng thời có những lợi thế hơn so với lao động trong nước, nhất là về các kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc quốc tế… Bởi thế, hỗ trợ giải quyết việc làm cho họ sẽ góp phần tận dụng được nguồn nhân lực có chất lượng đồng thời giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại các thị trường phái cử.
Kết nối việc làm cho lao động từ nước ngoài trở về 2 tháng đầu năm, 28.429 người đi xuất khẩu lao động

Cần tích lũy kinh nghiệm và trau dồi ngoại ngữ

Từng đi Hàn Quốc từ năm 2007 và về nước vào năm 2022, anh Trần Văn Đua (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết muốn tìm công việc với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng, dù trước đó mức thu nhập trung bình tại Hàn Quốc anh nhận được hơn 30 triệu đồng/tháng. Qua thời gian làm việc, anh Đua cho rằng, với những lao động từng đi làm việc ở nước ngoài nếu chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tay nghề thì khi về nước đây sẽ là những lợi thế khi tìm việc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng đòi hỏi thêm các văn bằng, chứng chỉ, trong khi phần lớn lao động đi theo diện xuất khẩu là lao động trực tiếp nên sẽ phần nào có trở ngại khi ứng tuyển vào các công ty.

Tận dụng nguồn lao động từ nước ngoài trở về
Kết nối việc làm trực tuyến tại một phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM JAPAN về nước do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức.

Cũng về nước sau 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Hữu Quảng (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, từng làm việc trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tại Hàn Quốc nên khi về nước anh mong muốn tìm công việc phù hợp với kinh nghiệm đã tích lũy, có mức thu nhập tương xứng với khả năng. “Với những lao động sau khi về nước, nếu đã tương đối nhiều tuổi thì sẽ khó khăn hơn, vì các nhà tuyển dụng cũng rất kén chọn trong vấn đề tuyển lao động có tuổi. Vì vậy, tôi nghĩ các bạn trẻ nếu có điều kiện nên trau dồi vốn ngoại ngữ và tích lũy thêm kinh nghiệm để khi về Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”, anh Quảng bộc bạch.

Ở góc độ đơn vị kết nối nhân lực, trong đó có các thị trường nước ngoài, bà Đỗ Thùy Linh - Giám đốc tuyển dụng Công ty cổ phần kết nối nhân lực Work Link đánh giá, nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài về có lợi thế về vốn tiếng, cũng như hiểu biết về văn hóa, cách thức làm việc với người nước ngoài. Những yếu tố này sẽ giúp họ sớm hòa nhập được vào môi trường làm việc tại các công ty nước ngoài ở Việt Nam khi được tuyển dụng. Mặc dù vậy, qua quá trình tuyển dụng, bà Linh cũng thừa nhận, nhiều người lao động sang nước ngoài chủ yếu làm công việc lao động chân tay, số đi làm công việc chuyên môn như quản lý chưa có nhiều. “Do đó, việc tận dụng được vốn ngoại ngữ, học thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức kỹ năng quản lý chuyên sâu thì khi về Việt Nam các bạn mới có cơ hội phát triển hơn về vị trí công việc cũng như có mức lương tốt hơn”, bà Linh nhìn nhận.

Hỗ trợ việc làm cho lao động về nước

Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước không chỉ giúp tận dụng được nguồn nhân lực có chất lượng mà còn là giải pháp quan trọng giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại các thị trường. Phát biểu tại một phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động chương trình EPS và thực tập sinh chương trình IM Japan về nước do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, việc còn gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp vẫn trở thành một trong những lý do, khiến nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng, sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. Do vậy, hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng.

Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua, các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) luôn quan tâm, chú trọng tới công tác hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động và thực tập sinh về nước. Hơn 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước đã thường xuyên phối hợp với Văn phòng HRD tại Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm, kết nối lao động chương trình EPS, thực tập sinh chương trình IM Japan về nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam và các doanh nghiệp khác có nhu cầu tuyển dụng nhân lực này. Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp tổ chức nhiều hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về và kết nối cung - cầu. Các hội chợ, phiên giao dịch việc làm đã thu hút gần 1.500 lượt doanh nghiệp và hơn 6.500 lượt người lao động, kết nối việc làm thành công cho gần 3.100 người lao động.

Cùng với đó, Trung tâm Lao động ngoài nước còn thực hiện hình thức đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm online thông qua website của Trung tâm và đã có hàng ngàn lượt người lao động phỏng vấn tìm, kết nối việc làm thành công cho nhiều người lao động. Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với Cục Việc làm, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo về nguồn kinh phí dành cho các hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động về nước từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022; liên hệ, thống nhất các địa phương về kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động về nước từ nguồn kinh phí này… Từ những hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm này đã giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước tìm được việc làm ổn định và các doanh nghiệp kiếm được đúng nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thu Hằng - Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này