Tìm “căn nguyên” để gỡ khó cho xe buýt

08:15 | 02/03/2023
(LĐTĐ) Tại Hà Nội, xe buýt đang là loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực, là một trong những phương án khả thi, bền vững để từng bước giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay xe buýt bị hạn chế rất lớn về khả năng bảo đảm thời gian hành trình, di chuyển… đây là căn nguyên khiến người dân, hành khách vẫn ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Năm 2022, số lượt xe buýt thực hiện ước đạt khoảng 90,5% kế hoạch Xe buýt chậm do vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp

Chưa đạt kỳ vọng

Số liệu từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2022 sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021), trong đó, buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021.

Dù vậy, so với thời điểm trước dịch Covid-19, sản lượng khách sử dụng xe buýt chỉ bằng khoảng 60%. Sản lượng khách vận chuyển trong năm 2022 chỉ đạt được 18,5% lượng người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, trong khi Thành phố đưa ra chỉ tiêu 21,5 - 23%.

Tìm “căn nguyên” để gỡ khó cho xe buýt
Xe buýt bị bủa vây giữa các phương tiện cá nhân. Ảnh: Đinh Luyện

Đáng chú ý, nguyên nhân khiến hành khách có xu hướng xa rời xe buýt để sử dụng phương tiện cá nhân tương đối đa dạng. Trong đó, bên cạnh những phản ánh về chất lượng dịch vụ còn yếu, hạ tầng cho xe buýt chưa được tối ưu hóa, nhiều điểm nhà chờ bị chiếm dụng làm hàng rong, bãi đỗ xe... thì nguyên nhân đáng lo ngại nhất là thời gian di chuyển của xe buýt không đảm bảo, nhất là vào những khung giờ cao điểm.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2022, có trên 72.000 lượt xe phải điều chỉnh lộ trình và trên 576.000 lượt xe phải xuất bến muộn so với biểu đồ. Qua khảo sát 3.440.077 lượt xe của 132 tuyến buýt trợ giá, số lượt xe xuất bến chậm dưới 5 phút chiếm 10,9%; từ 5-10 phút chiếm 1%; từ 10-15 phút chiếm 0,5%; trên 15 phút chiếm 1%.

Thống kê cũng cho thấy, trong vòng 10 năm qua, tốc độ vận hành của xe buýt đã giảm 15-17%. Cụ thể, năm 2012, tốc độ bình quân của xe buýt là 16-16,5km/h, nhưng thời điểm hiện tại chỉ đạt khoảng 13km/h. Điều này khiến nảy sinh hệ lụy kéo theo là thời gian chuyến đi của hành khách cũng tăng lên, tỷ lệ các chuyến xe đúng giờ giảm đi.

Thực tế, câu chuyện mở làn đường riêng cho xe buýt để xe đi nhanh và đảm bảo thời gian hơn đã được nhắc đến nhiều nhưng đến nay việc triển khai vẫn rất chậm. Theo ghi nhận thực tế, gần như chỉ có một số ít tuyến buýt BRT được bố trí làn đường riêng, các tuyến xe buýt còn lại đều sử dụng chung đường với các phương tiện khác.

Điều này cũng khiến nảy sinh bất cập là, xe buýt mỗi lần ra vào điểm dừng, đặc biệt trong giờ cao điểm dễ dẫn đến hiện tượng xung đột với các phương tiện lưu thông xung quanh. Nói cách khác, việc thiếu làn đường riêng, xe buýt không thể phát huy tối đa hiệu quả, khó lòng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Gỡ khó cho xe buýt

Thực tế, so với các loại hình giao thông khác, xe buýt có nhiều ưu điểm là giá thành rẻ, độ phủ tuyến của xe buýt rộng khắp Hà Nội. Chia sẻ về những lợi ích của xe buýt, chị Trương Thị Minh Huyền, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: “Xe buýt có nhiều lợi ích, đặc biệt là với đối tượng học sinh, sinh viên.

Dễ thấy, ưu điểm đầu tiên là xe buýt giúp tiết kiệm chi phí lớn khi giá vé liên tuyến là 100.000 đồng/tháng không kể số lượng chuyến đi; 1 tuyến là 55.000 đồng - đây là một con số cực kì ấn tượng và còn có ưu đãi, hỗ trợ cho sinh viên nếu so với sử dụng các phương tiện xe máy và ô tô”.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho xe buýt diễn ra vào chiều 27/2, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến doanh thu, sản lượng khách và xác định đây là yếu tố sống còn thì bức tranh xe buýt không quá lo lắng. Đồng thời, lãnh đạo Sở quán triệt, quản lý Nhà nước tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng phải xác định tăng sản lượng, tăng doanh thu, giữ chất lượng dịch vụ là yếu tố sống còn. Không thể ỷ lại.

Ngoài ra, theo chị Huyền, đi xe buýt sẽ được cải thiện về sức khỏe khi người tham gia ít hít phải khói bụi ô nhiễm. Một “điểm cộng” nữa là đi xe buýt sẽ rèn luyện thói quen đi bộ. Cụ thể, như với cá nhân chị Huyền, việc đi bộ từ 6.000 tới 10.000 bước mỗi ngày ra điểm đón buýt sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ, rèn luyện tính kỷ luật, sự đúng giờ.

Trở lại với câu chuyện dành làn đường riêng cho xe buýt, nhiều ý kiến cho rằng, đây là yếu tố quyết định hiệu quả của xe buýt. Nói cách khác, bên cạnh những điều kiện quan trọng như: Trợ giá, nhân lực, cơ chế, chính sách ưu đãi, xe buýt Hà Nội cần một yếu tố mang tính quyết định khác nhằm nâng cao hiệu quả. Đó là xây dựng làn đường riêng, bởi càng có nhiều không gian ưu tiên, năng lực vận chuyển, đáp ứng nhu cầu hành khách của xe buýt sẽ càng được tăng cường rõ rệt.

Thực tế cũng cho thấy, việc dành làn đường riêng cho xe buýt hoàn toàn có thể triển khai. Cụ thể, khác với loại hình xe buýt nhanh đòi hỏi phải có hệ thống nhà chờ đồng bộ đi kèm, xe buýt thường chỉ cần có những tuyến đường đủ rộng, nghiên cứu bố trí làn đường riêng phía bên phải tuyến đường và sử dụng hệ thống nhà chờ, điểm dừng dọc tuyến.

Hiện, Thành phố cũng có rất nhiều tuyến đường đủ rộng với 3 làn cùng chiều, đủ để bố trí một làn riêng cho xe buýt. Trước mắt, nếu chưa thể triển khai đồng loạt nhiều tuyến thì Hà Nội hoàn toàn có thể chọn 1-2 tuyến để thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng trên nhiều tuyến khác.

Quanh câu chuyện này, chuyên gia giao thông Nghiêm Quốc Thắng nêu quan điểm, hơn lúc nào hết, Hà Nội phải triển khai đồng bộ các giải pháp giảm phương tiện giao thông cá nhân. Giảm phương tiện giao thông cá nhân bằng cách tăng cường vận tải hành khách công cộng và dành đường riêng cho xe buýt. Chỉ khi xe buýt đi nhanh, thể hiện được ưu điểm trước các loại hình phương tiện khác thì mới có thể thu hút người dân.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này