Tuyên truyền tốt tạo sự đồng thuận cao trong triển khai dự án Vành đai 4

17:36 | 24/02/2023
(LĐTĐ) Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã đạt được kết quả theo đúng tiến độ. Để có được điều đó là nhờ huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là công khai, minh bạch các chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di chuyển mộ thực hiện Dự án đường Vành đai 4 Đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng xây đường song hành Vành đai 4 qua Hà Nội

Người dân tình nguyện hiến đất cho dự án

Xã Tân Dân là nơi chiếm đến 4/5 diện tích cần giải phóng mặt bằng của huyện Sóc Sơn cho Dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Những ngày này, không khó để thấy không khí sản xuất, làm việc tại xã sôi nổi khi phần việc giải phóng mặt bằng đã đạt trên 90%.

Đi sâu vào cánh đồng, hàng trăm ngôi mộ nằm trong chỉ giới đường đỏ đã được di dời về nghĩa trang mới; với những thửa đất nông nghiệp nằm trong diện thu hồi thì bà con đã dừng canh tác để đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch.

Ông Nguyễn Văn Kỳ (Trưởng thôn Xuân Áp, xã Tân Dân) chia sẻ, thôn Xuân Áp có khoảng 17,6ha đất cần thu hồi để phục vụ Dự án đường Vành đai 4, liên quan đến gần 100 hộ dân. Sau khi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn công bố, niêm yết bản vẽ chỉ giới đường đỏ, đa số người dân trong thôn đồng tình, ủng hộ cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Huyện Sóc Sơn: Tuyên truyền tốt tạo sự đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4
Công tác di dời phần mộ phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 của xã Tân Dân được hoàn thành trước Tết Nguyên đán - Ảnh: P.Ngân

“Ngay từ khi có chủ trương, ai nấy đều đồng thuận và mong muốn tuyến đường sẽ được triển khai theo đúng tiến độ. Mặc dù có gia đình sau khi thu hồi đất là hết sạch ruộng canh tác nhưng họ vẫn ký vào biên bản bàn giao đất để công tác giải phóng mặt bằng của xã, huyện được kịp thời. Hy sinh lợi ích cá nhân nhưng bù lại người dân mong đợi tuyến đường sẽ giúp xã trở nên khang trang, hiện đại hơn”, ông Kỳ nói.

Cũng theo ông Kỳ, hiện nay, 100% nhân dân trong thôn Xuân Áp đã ký cam kết bàn giao đất, tỷ lệ chi trả đền bù giải phóng mặt bằng đạt khoảng 95%. Bản thân gia đình ông Kỳ cũng có 850m2 đất nông nghiệp bị thu hồi, bằng 75% diện tích đất canh tác nhưng ông bày tỏ vẫn sẵn sàng chấp hành tốt chủ trương, chính sách, để qua đó góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố.

Chia sẻ về quá trình triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Ngô Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tân Dân cho biết, đây là dự án lớn, liên quan đến nhiều hộ dân, nhất là công tác rà soát, kê khai, quy chủ, di dời mộ là việc rất phức tạp.

Để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền từ sớm, từ xa. Xã đã thành lập “tổ dân vận” đến từng ngõ, vào từng nhà tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương xây dựng tuyến đường Vành đai 4 và tạo thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Nhờ đó, đến nay, xã Tân Dân đã kiểm kê và thông báo thu hồi được 37,04/39,3ha diện tích đất (trong đó, đất nông nghiệp là 37ha, đất ở là 0,04ha, 569 ngôi mộ…), chi trả hơn 116,4 tỷ đồng; 100% số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ và khẩn trương di dời mộ về nghĩa trang nhân dân.

Với những cách làm sáng tạo, Đảng ủy, UBND xã tập trung quán triệt, tuyên truyền, vận động được triển khai bằng nhiều hình thức như: đài phát thanh xã, trang mạng xã hội, tổ chức hội nghị, lồng ghép tuyên truyền dưới mọi hình thức để cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu chủ trương đầu tư dự án, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó có 12 hội nghị được diễn ra quán triệt nội dung tới 732 lượt người; phát trên 150 lượt tin trên đài truyền thanh…

“Nhờ tuyên truyền bài bản mà nhân dân trong xã có nhận thức đầy đủ về chủ trương. Chính vì vậy, trước nhiệm vụ cấp bách cần gấp quỹ đất để di chuyển các ngôi mộ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đã có 11 hộ dân tự nguyện hiến 4.000m2 đất cho xã làm khu nghĩa trang mới để các hộ dân khác di dời mộ kịp thời”, ông Bình cho biết.

Huyện Sóc Sơn: Tuyên truyền tốt tạo sự đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Sóc Sơn dài 2,4km.

Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho hay đó là tuyên truyền làm sao để bà con có nhận thức đầy đủ; phải công khai, minh bạch các chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng cũng như quy hoạch để người dân nắm được, tham gia góp ý và đồng thuận… Với những phần việc còn lại, xã dự kiến trong tháng 2 sẽ hoàn thành 93% khối lượng công việc và đến tháng 3 sẽ hoàn thành 100%.

Nỗ lực đảm bảo tiến độ

Huyện Sóc Sơn là một trong 7 quận, huyện của thành phố Hà Nội có tuyến đường Vành đai 4 đi qua với chiều dài 2,4km, mặt cắt đường rộng 90m. Diện tích cần giải phóng mặt bằng của huyện là 48,2ha. Trong đó, 39,3ha thuộc địa bàn xã Tân Dân và 8,9ha của xã Thanh Xuân. Điểm đầu của dự án kết nối với các tỉnh phía Bắc, cửa ngõ để vào nội thành; giao cắt với Quốc lộ 2, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 18 và Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.

Xác định được tầm quan trọng của dự án, cả hệ thống chính trị của huyện Sóc Sơn đã tích cực vào cuộc và dồn toàn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo các mốc tiến độ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là công khai, minh bạch các chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng nên việc triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện đạt được kết quả tích cực.

Tính đến ngày 23/2, huyện Sóc Sơn đã di chuyển 893/897 ngôi mộ (đạt 99,6%), còn lại 4 ngôi mộ chưa cải táng chưa di chuyển. Huyện đã lập, trình các phòng thẩm tra dự thảo phương án tổng diện tích 39,48/48,23ha (đạt 82% diện tích thu hồi). Đồng thời phê duyệt phương án, trả tiền và nhận bàn giao mặt bằng là 37,57ha (đạt 78% diện tích thu hồi).

Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn đã làm việc với các đơn vị quản lý, vận hành các công trình bị ảnh hưởng để thống nhất phương án di chuyển và hình thức bồi thường. Cụ thể, di chuyển đường điện trung thế, trạm biến áp và đường điện hạ thế do Công ty Điện lực Sóc Sơn quản lý; Di chuyển đường dây 220KV Vân Trì - Sóc Sơn 1, 2 do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý; Di chuyển hệ thống cáp thông tin do Trung tâm viễn thông 5 - Viễn thông Hà Nội, Trung tâm hạ tầng mạng miền Bắc, Chi nhánh kỹ thuật Viettel Hà Nội quản lý; Di chuyển đường cáp thông tin của Lữ đoàn 139 do Lữ đoàn 139 - Bộ tư lệnh thông tin quản lý; Di chuyển hê thống dây truyền thanh xã Thanh Xuân và Tân Dân; Di chuyển đường cấp điện Trạm điện đài K1 đến trạm điện đài K2 thuộc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Hoàn trả hệ thống kênh mương tưới tiêu và đường giao thông xã Tân Dân và Thanh Xuân…

Với các phần việc trong thời gian tới, huyện sẽ phê duyệt, chi trả và nhận bàn giao mặt bằng đạt ít nhất 37,95/48,23ha (đạt 79% diện tích đất thu hồi). Tiếp tục lập, trình thẩm tra, công khai dự thảo, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khoảng 7,05 ha đất nông nghiệp; ước lũy kế đến hết tháng 3/2023 đạt 45/48,23ha (đạt 93% diện tích đất thu hồi). Với tiến độ triển khai như hiện nay, huyện Sóc Sơn cố gắng cơ bản bàn giao mặt bằng sạch trước tháng 6/2023.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này