Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục dành vốn tín dụng cho dự án đủ điều kiện pháp lý

17:23 | 19/02/2023
(LĐTĐ) Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra mới đây, một số chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng “bất thường”, bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như “đóng băng” và có những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.
Nới hạn mức tín dụng cho ngân hàng: Khơi thông các dòng vốn cho phát triển Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng thời gian qua, áp lực lớn đối với vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản không phải do điều hành tín dụng mà do những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nguyên nhân là doanh nghiệp phát hành trái phiếu để phát triển bất động sản nhưng chọn điều kiện phát hành dễ và không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi sự cố xảy ra.

“Về giải pháp, doanh nghiệp cần có bộ phận theo dõi, đánh giá, tổng hợp, dự báo tình hình để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để không bị động, không nên đầu tư dàn trải, tới 50 dự án cùng lúc”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục dành vốn tín dụng cho dự án đủ điều kiện pháp lý
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, một số chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm. (Ảnh minh họa: Hà Phong)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng doanh nghiệp phải chú trọng việc xây dựng kế hoạch, kiểm soát để có giải pháp chủ động tránh lâm vào tình trạng bị động, tắc nghẽn dòng tiền... Ngoài ra, cần đẩy mạnh cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính.

“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục dành vốn tín dụng cho dự án đủ điều kiện pháp lý, dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Đồng thời, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với bất động sản cao cấp, không có nhu cầu thực, kinh doanh đầu cơ, làm giá,...”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ (TS) Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng “bất thường”, bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như “đóng băng” và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Theo TS Cấn Văn Lực, những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của thị trường bất động sản hiện nay, đó là: Thứ nhất là theo xu hướng điều chỉnh chung của thị trường bất động sản thế giới và Việt Nam sau hơn 2 năm tăng trưởng khá nóng (giá bất động sản thế giới tăng khoảng 10-20% và của Việt Nam tăng khoảng 20-50%). Thứ hai, vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời.

Thứ ba, nguồn vốn rõ ràng bị thu hẹp hơn trong năm vừa qua. Thứ tư, nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh. Cuối cùng là liên quan đến quan hệ cung cầu khiến cho việc giá cả chưa hợp lý.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, về phía Ngân hàng Nhà nước, TS Cấn Văn Lực đề nghị cơ quan này cân nhắc sớm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm.

Thứ hai là kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách điều chỉnh lại hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản. Bộ Xây dựng cần là đầu mối để phân khúc bất động sản theo các phân khúc khác nhau như nhà ở xã hội, nghỉ dưỡng… Cân nhắc điều chỉnh Thông tư 16, Thông tư 22 và khi sửa Thông tư 39 theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn đối với trái phiếu doanh nghiệp và cho vay góp vốn, tài trợ chuyển nhượng dự án. Cân nhắc cho phép cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ với thời hạn, đối tượng phù hợp.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này