Hà Nội quan tâm thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội

17:19 | 16/02/2023
(LĐTĐ) Thành phố Hà Nội luôn xác định công tác lao động, người có công và xã hội là nhiệm vụ quan trọng, từ đó luôn quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành và ưu tiên dành nguồn lực cho lĩnh vực này, đặc biệt trong công tác an sinh xã hội.
Hà Nội: Giải quyết việc làm vượt chỉ tiêu, góp phần hiệu quả giảm nghèo Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019 Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trên đây là ý kiến của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khi chủ trì buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội về triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2023 diễn ra vào sáng nay, 16/2, tại trụ sở Sở LĐTBXH Hà Nội.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, năm qua, Sở LĐTBXH Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai toàn diện các nhiệm vụ được giao theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố; các kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo của Bộ LĐTBXH và của UBND Thành phố.

Hà Nội quan tâm thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và các nhiệm vụ trọng tâm đều được đẩy mạnh thực hiện. Hết năm, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch được giao; trong đó chỉ tiêu giải quyết việc làm và tuyển sinh đào tạo nghề đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Công tác phối hợp, gắn kết với doanh nghiệp đã và đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh triển khai theo nhiều hình thức; học sinh, sinh viên, học viên được hỗ trợ giải quyết việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, góp phần quan trọng trong việc cung ứng nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động. Người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được Thành phố quan tâm, chăm lo đầy đủ.

Ông Hoàng Thành Thái nhấn mạnh, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, năm 2022, ba chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về "giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước", "tỷ lệ thất khu vực thành thị", "tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo" đều vượt kế hoạch được giao. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%; Tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức 3,18%, đạt chỉ tiêu <4% do Thành phố đề ra, giảm 0,79 điểm phần trăm so với năm 2021; Thành phố giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt 218,8% kế hoạch; số lao động được tạo việc làm mới là 203.027/160.000 lao động, đạt 126,9% kế hoạch năm, tăng 23.379 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021…

Về nhiệm vụ năm 2023, ông Hoàng Thành Thái cho biết, năm 2023, Sở LĐTBXH Hà Nội đề ra 9 chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt các mặt công tác được giao trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Trong đó, Sở sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội; phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành theo đúng cơ chế kinh tế thị trường, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế; Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, tiền lương, quan hệ lao động; an toàn, vệ sinh lao động; quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam; phát triển giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế...

Hà Nội quan tâm thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội
Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Bạch Liên Hương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng như các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc.

Dịp này, Sở LĐTBXH Hà Nội cũng kiến nghị, đề xuất với UBND Thành phố một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Cụ thể: Đề nghị UBND Thành phố xem xét, báo cáo HĐND Thành phố cho phép đổi tên 1 dự án đã được HĐND Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021: Dự án: “Đầu tư xây dựng Trụ sở khu Liên Cơ quan thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại số 144 Trần Phú, Hà Đông” (tên cũ tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND: Cải tạo, nâng cấp Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội); đề nghị UBND Thành phố xem xét, báo cáo HĐND Thành phố cho phép bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 đối với 3 dự án đã được Sở LĐTBXH xây dựng Kế hoạch tại văn bản 1969/KH-SLĐTBXH ngày 14/4/202, bao gồm: Dự án tăng cường cơ sở vật chất Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 Hà Nội; đầu tư giai đoạn 2 Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội; nâng cấp tổng thể Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá cao kết quả hoạt động lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm qua, đồng thời khẳng định: Thành phố luôn xác định công tác lao động, người có công và xã hội là nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm đời sống nhân dân Thủ đô.

Trong năm, Thành phố đã rất quyết liệt và kịp thời trong việc chỉ đạo, điều hành và ưu tiên dành nguồn lực cho công tác an sinh. Kết quả công tác mà ngành LĐTBXH đạt được trong năm 2022 đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an sinh, an dân, an toàn xã hội và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

Khẳng định các đề xuất của lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu Văn phòng UBND Thành phố tổng hợp chi tiết nội dung, xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó, xác định rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp để kịp thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác lao động, người có công và xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cũng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp với Sở LĐTBXH để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần cùng Thành phố thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2023

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 73,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%.

- Tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2023 tiếp tục đạt ở mức <4% (đến năm 2025 giảm ở mức <3%).

- Số lao động được tạo việc làm mới: 162.000 lao động.

- Tuyển sinh và đào tạo nghề cho 230.000 lượt người (cao đẳng 25.500, trung cấp 28.500, sơ cấp và dưới 3 tháng 176.000).

- Phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với đầu năm (tương đương giảm 642 hộ nghèo).

- Phấn đấu 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.

- Đảm bảo 100% các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội dưới các hình thức khác nhau.

- Ít nhất 99% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc bằng nhiều hình thức khác nhau. 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực khi được phát hiện đều được can thiệp, tư vấn, trợ giúp kịp thời, hiệu quả.

- Phấn đấu trên 80% số người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn Thành phố được tiếp cận các dịch vụ: tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hoà nhập cộng đồng. Lập 1.200 hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Duy trì điều trị lũy tích cho 5.300 người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đến cuối năm 2023.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này