“Chờ ngày” cất cánh

07:57 | 14/02/2023
(LĐTĐ) Để đi tắt, đón đầu phát triển khoa học, công nghệ, ngày 12/10/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-TTg về việc thành lập Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Phê duyệt quy hoạch tổng thể và dự án đầu tư bước 1, giai đoạn I Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ khoa học và Công nghệ.
Huyện Quốc Oai: Phải chủ động “làm đến cùng” công tác giải phóng mặt bằng dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc Hòa Lạc thành phố tri thức
“Chờ ngày” cất cánh
Một góc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh: Viết Chung)

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ đó đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa trở thành một khu công nghệ tầm cỡ như kỳ vọng. Từ chỗ tổng diện tích quy hoạch lên tới 1.600 ha được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ tiện ích và các khu chức năng, đến nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư lấp đầy mới đạt khoảng 240ha…

Chính vì vậy, cách đây mấy năm, thành phố Hà Nội đã trình Chính phủ xin giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Thành phố quản lý, với mục tiêu duy nhất muốn đưa Khu công nghệ phát triển xứng tầm khu vực, trở thành một trong những cực tăng trưởng của Thủ đô. Về cơ bản, Chính phủ cũng đã đồng ý, nhưng cũng vì một số lý do khách quan mà công tác chuyển giao vẫn chưa diễn ra.

Chính vì thế tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, diễn ra ngày 12/2 tại tỉnh Quang Ninh, Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phải khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho thành phố Hà Nội quản lý ngay trong quý I năm 2023.

Được biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc ngoài việc đã thu hút được các tập đoàn lớn trong nước như Viettel, VNPT, Vingroup, FPT… đến đầu tư thì còn có sự hiện diện của các tập đoàn đến từ nước ngoài là Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Nidec; Nissan Techno (Nhật Bản), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST)… thu hút hàng chục ngàn lao động. Đồng thời, đã có sự hiện diện của một số trường đại học như FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy vậy, nhìn vào thực tại, Khu công nghệ cao này phát triển rất chậm so với kế hoạch đề ra, chưa thực sự trở thành một “thung lũng Silicon”, “thành phố khoa học” của Thủ đô. Thực tế ở các nước đã chứng minh, bộ chỉ là cơ quan thực thi pháp luật, quản lý Nhà nước chuyên ngành và tham mưu hoạch định chính sách, còn đối với các khu công nghệ phải thuộc quản lý của chính quyền sở tại. Với một khu công nghệ như Hòa Lạc, rộng về diện tích, lớn về quy mô kết cấu hạ tầng, nguồn vốn để phát triển mang lại hiệu quả cao, bắt nhịp với xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nếu giao cho chính quyền thành phố Hà Nội quản lý chắc chắn sẽ phát huy hết lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ cất cánh, xứng đáng là thành phố của trí tuệ, đỉnh cao công nghệ, nơi không chỉ có sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mà còn là nơi “khởi nguồn” các nghiên cứu, phát minh về khoa học của các tập đoàn của Việt Nam, để góp phần vào mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này