Xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Đảm bảo Công đoàn hoạt động hiệu quả trong tình hình mới

17:39 | 08/02/2023
(LĐTĐ) Chiều 8/2, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị về tình hình chuẩn bị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và về công tác phối hợp giữa 2 cơ quan.
Người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm được Công đoàn hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng Thủ tục, hồ sơ về khen thưởng cần được rút gọn, tạo thuận lợi cho các tập thể, cá nhân Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai công tác tổ chức, cán bộ năm 2023

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Đảm bảo Công đoàn hoạt động hiệu quả trong tình hình mới
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong chuẩn bị sửa đổi dự án Luật Công đoàn lần này, đồng thời khẳng định: Ủy ban Xã hội sẽ đồng hành với Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện Luật Công đoàn, để có thể gửi hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; đồng thời gửi đến Ủy ban Xã hội, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra trước 1/3/2023.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong công tác phối hợp với Ủy ban Xã hội, bởi trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngoài việc xây dựng, sửa đổi Luật Công đoàn, Ủy ban Xã hội mong muốn xin ý kiến Tổng LĐLĐ Việt Nam về một số dự án luật khác, liên quan đến người lao động, như: Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn vệ sinh lao động, Công ước quốc tế, Luật Bình đẳng giới (vai trò của lao động nữ)… Do đó, Ủy ban Xã hội mong muốn hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cùng hướng tới đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động trong tương lai, cũng như góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đất nước.

Báo cáo tóm tắt kết quả, tiến độ thực hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18); Nghị quyết số 02 NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới (Nghị quyết 02), Đề án định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, trong đó có nhiệm vụ rà soát Luật Công đoàn và các luật liên quan trong năm 2022, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024; Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành các kế hoạch về triển khai các hoạt động sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn; thành lập 3 đoàn khảo sát, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Luật Công đoàn tại 13 tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương…

Xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Đảm bảo Công đoàn hoạt động hiệu quả trong tình hình mới
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo tóm tắt kết quả, tiến độ thực hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Hội nghị.

Kết quả, đã có 100% đơn vị gửi Báo cáo tổng kết Luật Công đoàn về Tổng Liên đoàn. Trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật Công đoàn, kế thừa hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (giai đoạn 2018 - 2020), đồng thời, nghiên cứu bổ sung, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 02/NQ-TW, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã giao Ban Chính sách - Pháp luật tham mưu hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tại các kỳ họp (tháng 11,12/2022), Thường trực Đoàn Chủ tịch, Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã cho ý kiến thống nhất với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).

Ngày 21/12/2022, Tổng Liên đoàn có văn bản số 5692/TLĐ “V/v xin ý kiến góp ý vào đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)” gửi các cơ quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp. Ngoài ra, nhằm tăng cường sự tham gia góp ý rộng rãi của các cơ quan, đối tượng chịu sự tác động, Tổng Liên đoàn đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã tiến hành đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Tổng Liên đoàn trong thời hạn ít nhất 30 ngày (từ ngày 22/12/2022 - 29/1/2023).

Tại Hội nghị, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội quan tâm, nghiên cứu để sớm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về việc giảm giờ làm chính thức cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần; đồng thời có chiến lược hướng tới lương đủ sống để nâng cao đời sống cho người lao động.

Xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Đảm bảo Công đoàn hoạt động hiệu quả trong tình hình mới
Quang cảnh Hội nghị.

Góp ý vào dự án Luật Công đoàn, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng: Để đảm bảo cơ sở vững chắc khi bảo vệ Dự thảo Luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên lấy ý rộng rãi người sử dụng lao động về vấn đề này; làm rõ cơ chế để bảo vệ đối với nhóm lao động phi chính thức…

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến góp ý: Tổng LĐLĐ Việt Nam nên xem xét sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn trên cơ sở xem xét với các luật hiện hành, chính sách đổi mới, để đảm bảo điều kiện hoạt động công đoàn trong tình hình mới được thuận lợi nhất, với mục tiêu đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xin tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa, hoàn thiện để đảm bảo tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 1/3/2023.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn được Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; đáp ứng mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam lớn mạnh - đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 02 NQ/TW của Bộ Chính trị.

Xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Đảm bảo Công đoàn hoạt động hiệu quả trong tình hình mới
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị.

“Việc xây dựng dự án Luật Công đoàn được tiến hành trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa, đổi mới, do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt quyết tâm, chuẩn bị nguồn lực thực hiện. Cùng với việc thúc đẩy xin ý kiến các bộ, ngành liên quan; khảo sát, đánh giá tổng kết Luật Công đoàn; lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan; trong Quý 1/2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức 3 đoàn cán bộ đi học tập, nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn tại một số nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản. Đặc biệt, năm 2023 là năm tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp, do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam thúc đẩy song hành việc sửa đổi Điều lệ Công đoàn, gắn với sửa Luật Công đoàn để đảm bảo sự thống nhất, hoạt động thuận lợi, hiệu quả”, ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Về công tác phối hợp giữa hai cơ quan, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội; đồng thời sớm xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp giữa hai bên để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, đi sâu vào những vấn đề hai bên quan tâm, cùng hướng tới xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này