Ước nguyện đầu xuân của thầy giáo “gieo chữ” nơi đầu sóng

20:45 | 23/01/2023
(LĐTĐ) Mùa xuân là mùa của sự khởi đầu mới với bao ước mơ và hi vọng. Nhắc đến mùa xuân, mọi người sẽ nghĩ đến hình ảnh đoàn tụ, đầm ấm bên người thân. Trong khi người người, nhà nhà vui Xuân, đón Tết thì ở Trường Sa vẫn còn có những giáo viên đang tạm gác phút giây sum họp gia đình để đón Tết cùng học trò, cùng những người lính hải quân và nhân dân sống trên đảo.
Nhiều kỳ vọng, cơ hội mới cho ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa Khánh Hòa: Những ngày cận Tết ở “xóm nhà chồ” Khánh Hòa: Mang mùa Xuân đến với những phận đời khốn khó

Miệt mài “gieo chữ” nơi đầu sóng

Ngày đầu Xuân mới Quý Mão 2023, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, giáo viên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) - người đã có thời gian sống, làm việc xa nhà và trải nghiệm ăn Tết ngoài đảo xa nhiều năm.

Kể về câu chuyện của mình, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (quê ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, thầy sinh ra trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, vất vả nên việc học của thầy bị gián đoạn hơn 10 năm. Năm 2010, thầy mới thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, rồi liên thông lên đại học.

Đến năm 2018, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy quyết định làm đơn tình nguyện xin ra đảo Trường Sa để giảng dạy.

Ước nguyện đầu xuân của thầy giáo “gieo chữ” nơi đầu sóng
Vào dịp năm mới, thầy Nguyễn Hữu Phú và các học trò thường trang trí Tết cho trường học. (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Phú, hầu hết các điểm đảo ở Trường Sa quanh năm đều nắng gió, dễ mưa bão, cuộc sống giữa biển cả càng thêm khốc liệt. Trường Sa hiện có 3 trường học là Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa. Mỗi trường có hai thầy giáo đảm nhận giảng dạy, chăm sóc cho khoảng 10 học sinh, từ cấp mầm non đến tiểu học.

Dù cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học chưa đầy đủ, lớp học phải bố trí theo hình thức học ghép, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Nhưng thời khắc khi mới đặt chân lên mảnh đất của đảo Song Tử Tây, thầy Phú đã biết mình sẽ có những tháng ngày tươi đẹp, ý nghĩa nhất trong hành trình dạy học tại nơi đây.

"Những ngày đầu mới nhận việc, bản thân tôi rất vất vả, áp lực, vì tôi chỉ được học cách dạy học sinh tiểu học, đến khi ra đảo thì tôi dạy cả em bé mẫu giáo. Nhưng với lòng yêu nghề và tình thương với các em, tôi và đồng nghiệp quyết tâm đem kiến thức của mình dạy cho các học trò, để thắp sáng ước mơ cho chúng. Đó chính là động lực để chúng tôi tiếp tục công tác mỗi ngày”, thầy Hữu Phú cho biết.

Ước nguyện nơi đảo xa

Trong tiết thời se lạnh, không khí Tết nơi đảo xa không náo nhiệt, không trang hoàng rực rỡ nhưng vẫn rất gần gũi, thân thuộc, giúp các giáo viên, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cảm thấy ấm áp như Tết ở quê nhà.

Những ngày cuối năm, để lấp này khoảng nhớ người thân, quê nhà, các thầy tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây cùng nhau dọn dẹp, hướng dẫn học trò cùng trang trí, tô điểm thêm không gian xuân của lớp học. Thầy và trò còn tranh thủ tập luyện tiết mục văn nghệ để trình diễn chào mừng năm mới cùng quân và dân trên đảo.

“Nơi đây cách xa hàng trăm hải lý so với đất liền, việc đi lại không hề dễ dàng. Bởi vậy, đồ dùng, thực phẩm cho ngày Tết chủ yếu là ở đất liền gửi ra. Còn các loại hoa tươi như mai, đào, cây quất cảnh thì khi đem tới nơi cũng bị rụng gần hết, do sóng mạnh dữ lắm. Nên chúng tôi tự làm thêm những cành mai, cành đào bằng cành khô, hoa vải, ấy vậy mà cũng rực rỡ không kém hoa thật đâu”, thầy Hữu Phú cười nói.

Tiết mục văn nghệ do các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây biểu diễn trong đêm giao thừa Tết Quý Mão 2023 (Ảnh: NVCC)
Tiết mục văn nghệ do các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây biểu diễn trong đêm giao thừa Tết Quý Mão 2023.(Ảnh: NVCC)

Đến đêm giao thừa, tất cả mọi người ngồi quây quần với nhau tại hội trường để thưởng thức bánh, mứt. Cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, buồn vui trong năm và hân hoan đếm ngược khoảnh khắc chào năm mới.

Không chỉ có vậy, dịp Tết đến, Xuân về, phụ huynh và các em học sinh còn mời giáo viên ghé nhà ăn Tết nên nỗi nhớ đất liền của các thầy cũng vơi đi phần nào.

Hòa chung không khí mùa xuân khắp cả nước, vẫn còn đó những tâm tư về khó khăn của người giáo viên với sự cống hiến thầm lặng nơi đầu sóng. Gạt đi những trở ngại đó, các thầy đều đang nỗ lực từng ngày, gắn bó với trường lớp, với đàn em thơ, cùng niềm tin một ngày không xa, những “mầm xanh” của đất nước sẽ có một tương lai tươi sáng.

“Lại một cái Tết xa nhà, xa người thân nhưng với chúng tôi đảo Song Tử Tây như là nhà của mình. Tết ngoài đảo xa luôn đem lại những cảm xúc đặc biệt cho chúng tôi. Thầy trò ở nơi đảo xa mong những người thân ở đất liền một năm mới hạnh phúc, may mắn. Mong sang năm, Trường tiểu học Song Tử Tây có máy tính tốt hơn, có mạng internet để chúng tôi tìm thêm tư liệu, cập nhật thêm phương pháp mới, bài giảng tốt để dạy cho học trò”, thầy Hữu Phú tâm sự.

“Cây phong ba lai mai đào ngày Tết/Đón Xuân sang muôn khắp nẻo rộn ràng/Nghe trong gió lời yêu thương vừa chín/ Sóng dập dềnh đảo Song Tử Tây dịu dàng….” đó là những câu thơ mà khi kết thúc cuộc trò chuyện, chúng tôi được thầy Nguyễn Hữu Phú sáng tác, đọc tặng.

Hương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này