Đi đón mùa Xuân

16:41 | 23/01/2023
(LĐTĐ) Khi những vạt mưa phùn rắc hạt đầu ngõ, những cánh én đưa nhau về bậu trên ô cửa nhỏ, cũng là lúc mùa xuân theo về. Xuân về mang theo những mong ngóng đầy vơi, làm cho con người ta tưởng chừng như bé lại. Đâu đó, lẫn trong xô bồ, vội vã của cuộc sống là tiếng cười lanh lảnh, trong veo của trẻ nhỏ. Để thấy mùa xuân vẫn tròn đầy, tươi sáng và mỗi chúng ta xuân càng thêm xuân.
Mùa xuân "bình thường mới" Giữ bình yên mùa Xuân cho Thủ đô Tiêm chủng thần tốc ngay trong những ngày nghỉ Tết
Đi đón mùa Xuân
Minh họa: Hải Linh

Ngày bộn bề của năm cũ, một buồi chiều cuối đông.

“…Sắp đến Tết rồi/Về nhà rất vui/Mẹ mua cho áo mới nhé/Ai cũng vui mừng ghê/Mùa xuân nay em đã lớn/Biết đi thăm ông bà…”

Trong khuôn viên khu tập thể công nhân lao động cũ, đứa bé chạc 6 - 7 tuổi, lí lắc, bước chân sáo, vừa đi vừa nghêu ngao hát. Gương mặt rạng rỡ, ánh lên những niềm vui. An vừa đi học về, em đang đợi bố mẹ. Bố mẹ em vẫn chưa đến giờ tan ca. Gặp ai em cũng cười nói liến thoáng:

“Con sắp về quê rồi, con chào ông bà nhé!”

“Nhà cô ở lại ăn Tết vui vẻ nhé, chiều tối là cháu về quê luôn đấy!,

“Anh Bi có được về quê ăn Tết không? Em chuẩn bị về đây. Năm nay em về còn lâu mới lên đấy nhé!”…

Đêm qua, An nằm hóng chuyện, nghe bố mẹ bảo chiều nay là ngày đi làm cuối cùng trong năm, xong sẽ được nghỉ Tết. Mà nghỉ Tết là chắc chắn cả nhà sẽ về quê. Chả cần nói em cũng biết. Về quê vui lắm. Hai năm vừa rồi dịch dã đã không về ăn Tết với ông bà rồi. An nhớ ông bà nhiều lắm.

Về quê sẽ được theo ông nội đi cắt lá dong, rồi được ông gói cho chiếc bánh chưng “đặc biệt” bé xíu, xinh xinh mà lại còn nhiều nhân. Đêm An sẽ cùng bố ngồi trông nồi bánh, được nướng ngô, vùi khoai trên bếp lửa hồng. Họ hàng, các cô chú sẽ sang chơi quây quần, hàn huyên đủ thứ chuyện không đầu, không cuối, cứ như là nửa thế kỷ họ mới gặp lại nhau. Mùi ngô, mùi khoai quyện lẫn mùi khói thơm nức mũi. Ban ngày thì được theo mẹ ra vườn bắt gà để thịt thắp hương chiều Ba mươi. Bà sẽ dẫn An đi chơi chợ Tết. Chợ Tết ở quê có nhiều thứ hay ho lắm. Kiểu gì bà cũng sẽ mua cho An mấy chú vịt đáng yêu mà An hay gọi là “thú cưng” về nuôi. Thích nhất là được cùng lũ trẻ con trong xóm chơi trò trốn tìm. Vườn nhà ông bà rộng nên dễ trốn kỹ, có lúc tìm mãi mới thấy. Tiếng cười nói, hò hét của lũ trẻ rộn khắp khoảng sân.

Tết chỉ cần thế thôi, chẳng cần gì nhiều. Thế mà khi quay trở lại khu tập thể cũ, câu chuyện về quê ăn Tết sẽ được An kể đi kể lại cho đến tận mùa xuân năm sau.

Minh cầm cái chổi lông gà huơ huơ phẩy qua, phẩy lại trên bàn thờ một cách cẩn thận, sợ đổ vỡ đồ. Minh bắt đầu được nghỉ học từ hôm nay. Sáng ra, trước khi đi làm mẹ dặn Minh ở nhà lau dọn sạch sẽ bàn thờ để chiều mẹ mua đồ về bày biện chuẩn bị mâm ngũ quả mời ông bà, ông vải về ăn Tết. Ông bà nội mất rồi, ông bà ngoại cũng không còn nữa, nên năm nay mẹ con Minh sẽ ở lại Thủ đô đón Tết. Bố Minh là bộ đội, xa nhà là chuyện thường xuyên. Minh quen rồi. Minh cũng hiểu đặc thù công việc của bố là phải như vậy, hiểu ý nghĩa của sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ biên phòng nơi vùng biên. Minh là anh cả trong nhà, dước Minh còn một em gái. Nhà neo người, càng lớn, Minh càng thương mẹ, hiểu những vất vả, thiệt thòi của người phụ nữ một mình gánh vác việc gia đình, một mình nuôi con. Khi bố vắng nhà, Minh thay bố làm những công việc của người đàn ông trong gia đình, phụ giúp, đỡ đần mẹ. Là con trai, nhưng cậu khá rành việc mua bán. Mấy bà bán hàng ngoài chợ cóc gần nhà quen nhẵn mặt cậu. Minh biết chỗ nào bán quất bon sai đẹp, lựa cành đào thế nào vừa đẹp vừa có nhiều lộc, mang lại nhiều may mắn. Mâm ngũ quả mẹ mua về một tay Minh bày biện đâu ra đấy.

Đất trời trở mình, thoang thoảng trong không gian trầm mặc hơi thở nồng nàn của cỏ cây, hoa lá. Xuân bắt đầu từ cửa ngõ sân ga, nơi công trường, xí nghiệp, đọng lại trên gương mặt trẻ thơ lấp lánh những nụ cười.

Thường thì Minh sẽ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, các công việc chuẩn bị đón Tết rất nhanh. Vì Minh muốn có nhiều thời gian để đi chơi với lũ bạn thân. Tuy có vẻ người lớn như vậy nhưng thẳm sâu trong lòng, em cũng chỉ là một đứa trẻ mới lớn trong cái vỏ bọc của một người đàn ông sắp trưởng thành.

Bố vừa gọi điện về. Bố bảo với Minh Tết này bố phải ở lại trực Tết. Minh bất chợt nảy ra ý nghĩ, sao mình không lên thăm bố nhỉ. Đúng rồi, Minh sẽ bàn với mẹ, ba mẹ con Minh sẽ lên đơn vị đón Tết cùng bố. Đã từng nghe bố kể nhiều về Tết miền biên, về cánh rừng hoa ban trăng muốt, về phiên chợ vùng cao độc đáo, về những con người dân tộc chất phác, thật thà.

Tết vùng cao chắc là có nhiều điều thú vị lắm. Minh sẽ đưa mẹ và em đi khám phá khắp doanh trại của bố, nhất định là như vậy. Minh tin rằng, đây sẽ là một cái Tết khó quên trong đời. Nghĩ đến thôi lòng em đã rạo rực, khấp khởi. Nhưng điều quan trọng hơn là gia đình Minh sẽ được đoàn tụ. Bố sẽ ngạc nhiên và bất ngờ lắm đấy.

Đêm cuối năm, khi phố thị đã dần chìm vào giấc ngủ, trong căn nhà nhỏ ven khu đô thị mới vẫn sáng ánh đèn. Vy khẽ nhô đầu ra khỏi chăn, hiếng hiếng đôi mắt đen láy liếc nhìn trộm xem bố mẹ đã ngủ chưa. Bị phát hiện, bé chui tọt vào chăn giả vờ thở phì phò. Mẹ cưng chiều vuốt lại mấy sợi tóc tơ trên trán bé lắc đầu mỉm cười, cũng không thèm bóc mẽ cô bé.

Vy không ngủ được. Cứ trằn trọc mãi. Mẹ bảo hôm nay là Hai mươi chín Tết, ngày mai đã là Ba mươi rồi. Hôm nay mẹ mua cho em hai bộ áo dài đỏ xinh xinh để em mặc đi chúc Tết ông bà. Mẹ cũng bảo, tối Ba mươi sẽ cho Vy đi đón giao thừa.

Giao thừa là gì, em chưa hiểu, nhưng bố bảo, giao thừa là thời khắc thiêng liêng lắm. Đó là lúc tiễn mùa cũ qua, đón mùa mới về. Mọi người sẽ được đi hái lộc, được xem bắn pháo hoa ở bờ hồ. Vy chưa lần nào được đi xem bắn pháo hoa cả. Bố bảo, tối ngày mai cho Vy đi chơi đến khi nào chán thì mới về. Trong ký ức của em, chưa khi nào được đi chơi “chán thì mới về”. Vy hồi hộp và sung sướng lắm. Chính vì vậy, hôm nay Vy phải ngủ sớm cho khỏe để ngày mai còn thức để đi chơi Tết.

Mải nghĩ vẩn vơ cùng sự mong đợi, háo hức, cô bé thiếp đi trên gương mặt vẫn bừng lên nụ cười.

Tết này, Vy vừa tròn 6 tuổi. Trong ký ức dại khờ của em, em chưa từng được đi đón mùa xuân.

Khi ta là người lớn, cuộc sống với bao bộn bề cuốn ta đi. Có đôi khi sự mệt mỏi, những nếp nhăn hằn trên khóe mắt làm ta thấy sợ mùa đi qua. Trẻ con thì khác. Trẻ con, dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù ở nông thôn hay thành thị, dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này thì chúng đều có chung niềm vui, niềm háo hức mong chờ mỗi độ Tết đến, xuân về.

Xen lẫn giữa những cơm áo, gạo tiền, giữa những lo toan của người trưởng thành là sự trong trẻo, hồn nhiên của trẻ nhỏ để mùa xuân luôn là mùa ấp áp, rộn vui tiếng cười, mùa của sự đoàn viên.

Song Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này