Chung tay xử lý, ngăn chặn lừa đảo trực tuyến

16:09 | 09/01/2023
(LĐTĐ) Thời gian qua, các hình thức lừa đảo trực tuyến liên tục gia tăng, trong đó nổi lên là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tài chính… Để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân, một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.
Quá nửa người dùng Việt Nam lo lắng về lừa đảo ngân hàng trực tuyến Có thể thoát bẫy lừa đảo trực tuyến bằng cách nào? Bạn có biết những mẹo hữu ích để tránh bị lừa đảo trực tuyến

Lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi

Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Chung tay xử lý, ngăn chặn lừa đảo trực tuyến
Bộ Thông tin và Truyền thông phát động “Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng”

Tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, cụ thể như: Giả mạo thương hiệu; Chiếm đoạt tài khoản; Các hình thức kết hợp: Sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ….) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông … để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết; Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên…

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người. Mục tiêu cuối cùng của các đối tượng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong số các cuộc lừa đảo trực tuyến, giả mạo thương hiệu chiếm 72.6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính,…); Chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo,..): chiếm 11.4%; các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay...) chiếm 16%.

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý

Trong thời gian qua, để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân, một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.

Cụ thể: Phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo; Phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam để người dân có thể phản ánh các vấn để gặp phải về an toàn thông tin; Cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng, chống lừa đảo; Công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng; Kiểm tra, gán nhãn tín nhiệm cho hơn 3.252 website chính thống.

Để bảo đảm an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các chiến dịch phòng, chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hàng năm trên toàn quốc.

Năm 2022 “Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng”, được Bộ Thông tin và Truyền thông phát động, đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, với các phần mềm phòng, chống mã độc đã được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí trên Cổng thông tin không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã xử lý 76 website phát tán mã độc, đồng thời chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển các mạng botnet tại Việt Nam.

Các cơ quan chức năng cũng ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Tháng 11/2022, Liên minh tuyên truyền về nâng cao nhận thức, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng được thành lập với sự tham gia của Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, MobiFone, TikTok, Cốc Cốc, BKAV, CMC và VNG, qua đó giúp nâng cao kiến thức, phổ biến kỹ năng giúp người dân chủ động đối phó với nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng, mang lại môi trường văn minh, tích cực hơn.

Trước tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, để hạn chế các cuộc gọi rác, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng hành lang pháp lý, quản lý chặt vấn đề tin nhắn rác. Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang cùng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan và các nhà mạng tăng cường giải pháp quản lý thông tin thuê bao di động, dừng phát hành thuê bao mới trên kênh phân phối, xử lý thuê bao “ảo”, thu hồi sim rác kích hoạt sẵn…

Từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo quy định tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP.

Cuối tháng 8/2022, các nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác.

9 tháng đầu năm 2022, tổng đài 5656 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin quản lý, vận hành) đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, từ ngày 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hình thức thoại và tin nhắn.

Bên cạnh các biện pháp, hoạt động do cơ quan chức năng triển khai, các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều hoạt động. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Cốc Cốc triển khai chiến dịch khiên xanh để người dùng trình duyệt phản ánh, báo cáo; Ngân hàng, chứng khoán, ví điện tử, các tổ chức tài chính triển khai các thông báo cho khách hàng qua Email, SMS, liên tục thông báo các nguy cơ lừa đảo trực tuyến liên quan tới tổ chức cho cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thực hiện nghiêm túc, triệt để các yêu cầu ngăn chặn, xử lý các trang lừa đảo của Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổ chức xã hội Chống lừa đảo với cộng đồng lớn và tích hợp được nhiều nền tảng như trình duyệt, mạng xã hội...

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này