Nỗ lực “hồi sinh” sự sống cho trẻ sinh non

12:30 | 02/01/2023
(LĐTĐ) Hành trình đưa những em bé sinh non chỉ nặng từ 400 - 500gram từ lồng kính trở về với vòng tay cha mẹ của các bác sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) là cuộc chiến đầy cam go, thử thách và thấm đẫm tình yêu thương.
Nga tìm ra phương pháp mới chẩn đoán bệnh ở trẻ sinh non Những mẹ hiền của trẻ sinh non Ra mắt Mạng lưới sơ sinh thí điểm Hà Nội

Hành trình kỳ diệu của những em bé “vài trăm gram”

Với nền y học ngày càng phát triển và đặc biệt là tình yêu thương, nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân viên y tế nên tỷ lệ trẻ sinh non được cứu chữa thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua.

Nỗ lực “hồi sinh”  sự sống cho trẻ sinh non
Trẻ sinh non được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính.

Đơn cử, từ năm 2010 tới nay, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh của Bệnh viện đã đón 8 trẻ sinh non chỉ từ 400 - 600gram, ở tuổi thai từ 25 - 28 tuần. Đặc biệt, là kỳ tích nuôi sống bé gái sinh non, quê ở Nghệ An, nặng 400gram năm 2021 và tháng 10/2022, Trung tâm tiếp tục điều trị thành công cặp song sinh, sinh non ở tuần 25 và chỉ nặng 500gram/bé.

Chia sẻ với phóng viên về ca sinh non nhẹ cân nhất tại viện, chị Lê Thị Vân, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh cho biết: Em bé chỉ nặng 400gram - đây là em bé non tháng nhất Việt Nam được cứu sống, là một kỳ tích trong ngành điều trị sơ sinh, nhất là trẻ non tháng.

Được biết, đây cũng chính là em bé do chính tay điều dưỡng Vân chăm sóc chu đáo từ những ngày đầu đến khi xuất viện. Từ đứa trẻ sinh non chỉ nặng 400gram lọt thỏm trong bàn tay nhân viên y tế... sau hơn 3 tháng được chăm sóc đã hồi sinh kỳ diệu. Theo điều dưỡng Vân chia sẻ, em bé này có bệnh lý bụng chướng và chị được chỉ định thực hiện massage, sau đó là đặc cách chăm sóc riêng cho em bé này.

“Bé được massage ngày 2 lần đề hỗ trợ về tiêu hóa và phát triển tổng thể. Bé bị chướng bụng, khó tiêu lại là ca sinh non nên càng phải được theo dõi kỹ để tránh mọi nguy cơ nhiễm trùng. Và rất may mắn, trong suốt một thời gian dài, bé đã không cần phải sử dụng đến kháng sinh”, chị Vân nhớ lại.

Nỗ lực “hồi sinh”  sự sống cho trẻ sinh non
Chị Lê Thị Vân, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh sát trùng tay cẩn thận trước khi chăm sóc trẻ.

Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mẹ và gia đình bé không thể từ Nghệ An ra Hà Nội. Do vậy, các bác sĩ, điều dưỡng đã thường xuyên gọi điện cập nhật tình hình của bé, tư vấn các loại sữa, chuyển khoản… đóng hộ viện phí cho gia đình. "Vượt qua mọi khó khăn, em bé đã tăng cân, phát triển tốt. Đến khi bé lên được 1.800gram chúng tôi đã trao con về với gia đình. Hiện tại, theo thông tin gia đình cập nhập chia sẻ, chúng tôi được biết bé đã biết nói, biết leo trèo nghịch ngợm rất đáng yêu ”, chị Vân vui vẻ kể lại.

Cũng theo điều dưỡng Vân cho biết, với trường hợp trẻ sinh non lại nhẹ cân như trên nếu không được các bác sĩ chăm sóc toàn diện bằng các chiến lược rất khắt khe, cẩn trọng, tỉ mỉ, an toàn… bé phải đối mặt với nguy cơ. Trong đó có nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết đặc biệt nguy hiểm, dễ viêm ruột gây hoại tử, bị nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, vàng da, tan máu, thiếu máu. Thậm chí, em bé có thể gặp phải một trong các nguy cơ muộn hơn như: Bại não hoặc tàn tật giảm vận động, tăng động giảm chú ý, xơ phổi, bệnh lý võng mạc do sinh non, nguy cơ đột tử, rối loạn tăng trưởng, đái đường, cao huyết áp…

Đặc biệt, đến đầu tháng 10/2022, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiếp tục làm nên điều kỳ diệu trong sản khoa là lần đầu tiên nuôi sống cặp song sinh chỉ nặng 500gram, chào đời ở tuần thai thứ 25 từ cơ thể người mẹ mắc Covid-19. Theo đó, ngày 16/5, hai bé song sinh, con của sản phụ L.T.V (sinh năm 1996, ở Hà Nội) chào đời ở tuần thứ 25. Hai bé song sinh (1 trai, 1 gái) cân nặng 500gram/bé, là một thách thức trong việc chăm sóc và điều trị. Bố mẹ của hai bé cũng không dám hy vọng nhiều vào sự sống của các con.

Tuy nhiên, các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh đã nỗ lực tìm sự sống cho 2 bé sơ sinh non tháng bằng việc áp dụng các kỹ thuật cao trong chăm sóc và điều trị. Sau gần 5 tháng chăm sóc và nuôi dưỡng, ngày trở về với gia đình, 2 bé đã ổn định sức khoẻ, một bé nặng 3,6 kg, một bé nặng 3,1kg.

Những chiến binh thầm lặng

Để đạt được các thành công trên, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh đã ứng dụng các kỹ thuật, biện pháp trong điều trị và chăm sóc để hạn chế nguy cơ cho trẻ sinh cực non như: Hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da…

Nỗ lực “hồi sinh”  sự sống cho trẻ sinh non
Nhân viên y tế hướng dẫn các sản phụ chăm sóc trẻ sinh non theo phương pháp kangaroo.

Những em bé nằm ở khu hồi sức tích cực hầu hết đều là sinh non, có bé thân mình chỉ nhỏ như bàn tay người lớn. Để chăm sóc các em, bác sĩ và nhân viên y tế không chỉ cần kỹ thuật và kinh nghiệm, mà còn cần sự khéo léo và một trái tim can đảm. Bởi lẽ những cơ thể non nớt mới chỉ 25 - 28 tuần tuổi của các bé thật sự mong manh và nhỏ đến khó tin, nếu không có sự can đảm, chắc không ai có thể cho các em ăn, dùng thuốc, massage hay điều trị bệnh lý...

Mỗi trường hợp trẻ lại có phác đồ theo dõi và điều trị khác nhau. Ở đây, mỗi giây phút, mỗi nhịp thở của các bé đều quý giá, đều phải níu kéo và đấu tranh tới cùng. Khi được hỏi về những vất vả trong nghề, điều dưỡng Vân chỉ cười bảo vất vả nhiều cũng thành quen, chỉ cần thấy các con vượt qua cơn nguy hiểm, an ổn và khỏe mạnh về với vòng tay của gia đình, mọi thứ đều được xóa tan.

Đặc biệt, với điều dưỡng Vân, việc nuôi thành công những bé sinh non là niềm tự hào cá nhân, là sự tận tụy với nghề, tình yêu với trẻ. Bởi trước đó, bản thân điều dưỡng Vân từng là sản phụ sinh non và được chăm sóc ngay tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh. Đến nay, con trai chị Vân đã 15 tuổi và phát triển tốt. Do vậy, chị càng mong mỏi hơn việc giúp được những bà mẹ khác để có được niềm hạnh phúc như vậy.

Nuôi sống các em bé sinh non mới là bước đầu, điều trăn trở với không chỉ điều dưỡng Vân mà còn là các y bác sĩ toàn ngành là làm sao để chăm sóc, điều trị cho em bé phát triển bình thường, lớn lên khỏe mạnh. 25 năm gắn bó với nghề, điều dưỡng Vân đã chứng kiến nhiều gia đình hiếm muộn, phải chạy chữa để có con, do vậy, việc mang thai và giữ thai rất khó nên trẻ thường sinh non.

Chị nhớ lại “lời nói dối đầy day dứt” của mình khi chứng kiến hình ảnh người mẹ gào khóc vì mất con: “Người mẹ này đã 10 lần làm thụ tinh nhân tạo và sinh 2 bé 400gram nhưng lần lượt 2 bé đã ra đi. Do mẹ quá căng thẳng nên gia đình đã nhờ các bác sĩ, nhân viên y tế giấu mẹ bé rằng các con đã được chuyển sang viện nhi. Tôi không thể quên hình ảnh người mẹ gào khóc nói rằng “em biết mọi người đang nói dối”. Đây là sự day dứt và thúc đẩy chúng tôi làm sao giúp được những trường hợp như vậy, để người mẹ có thể được ôm con vào lòng. Và tôi chỉ mong sau này không còn phải nói dối sản phụ nào như vậy nữa”.

“Nói dối” bệnh nhân là vậy, nhưng cũng có lúc chị Vân lại nghe “lời nói dối” của gia đình để yên tâm làm việc mỗi khi con ốm, sốt. Chị Vân cho biết, điều dưỡng đa số là chị em phụ nữ, ai cũng có con cái gia đình. Nhưng với các chị, nếu đang trong ca trực thì con ở nhà có ốm thì cũng không bao giờ bỏ trực. Thay vào đó là chăm sóc con từ xa, với sự hỗ trợ từ gia đình...

Nỗ lực “hồi sinh”  sự sống cho trẻ sinh non
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1.000 gram, sinh non tháng là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tận tình của các nhân viên y tế chỉ cần một lỗi nhỏ hoặc lơ là một vài tích tắc là ảnh hưởng đến tính mạng một sinh mạng.

Cũng theo chị Vân, tại khu hồi sức, một cô điều dưỡng sẽ chăm khoảng 20 - 25 cháu. Tại khu hồi sức tích cực, một cô chăm 9 - 10 trẻ. Các chuyên gia nước ngoài khi đến bệnh viện trao đổi, tập huấn cũng chia sẻ rằng, tại khu hồi sức trẻ sơ sinh ở nước ngoài phải có 1 - 2 điều dưỡng chăm 1 em bé. Đồng thời, ở nước ngoài họ cũng có người đặt nội khí quản riêng, làm ven riêng, phục hồi chức năng riêng… nhưng tại Việt Nam các điều dưỡng gần như phải đảm đương hết các công việc này.

Mặc dù vất vả, áp lực nhưng những lúc trong guồng công việc như vậy điều dưỡng Vân lại cảm thấy bản thân sống có ích hơn cho các thai phụ và bệnh nhi, cho cộng đồng. Và chính suy nghĩ tích cực đó đã trở thành động lực giúp chị phấn đấu và cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc... Gác lại những vất vả của bản thân, điều dưỡng Vân cùng các nhân viên y tế trong Trung tâm đều cảm thấy mọi khó khăn, hi sinh của mình như được bù đắp khi thấy những trẻ sơ sinh được khỏe mạnh trở về trong vòng tay của gia đình.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương: “Trong sản khoa những trường hợp trẻ cực kỳ non tháng là trẻ có cân nặng dưới 1.000gram và chào đời ở tuần thai dưới 28 tuần. Những trường hợp này, các cơ quan của trẻ còn non yếu, dễ tổn thương. Trẻ có các nguy cơ cơ bản như ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, hoại tử ruột, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hoá, vàng da… Nguy cơ muộn có thể gặp các bệnh lý như võng mạc, dễ nhiễm trùng, tiểu đường, cao huyết áp…”.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này