Xuất siêu lĩnh vực lâm sản tăng cao kỷ lục

15:24 | 31/12/2022
(LĐTĐ) Kết thúc năm 2022, cả 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch.
[Infographics] GRDP của Hà Nội tăng 7,79% trong 6 tháng năm 2022 [Infographic] Tình hình sản xuất nông nghiệp cả nước 8 tháng năm 2022 Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhiều tín hiệu đáng mừng

Gỗ và sản phẩm gỗ đã sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên, hiện nằm trong nhóm cao. Trong 10 tháng đầu năm 2022, mặt hàng này đứng trong nhóm 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, lớn hơn mức cả năm từ năm 2020 trở về trước.

Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước khoảng 2,82 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu lĩnh vực lâm sản đạt tới 14,1 tỷ USD, cao kỷ lục và dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, cả 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Xuất siêu lĩnh vực lâm sản tăng cao kỷ lục
Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, chỉ tiêu thứ nhất, cả nước đã trồng được 259.615 ha rừng, đạt 106,4% so với kế hoạch (rừng phòng hộ 8.636 ha, rừng đặc dụng 1.611 ha, rừng sản xuất 249.369 ha. Ngoài ra, cả nước cũng trồng được 122 triệu cây phân tán, đạt 103% so với kế hoạch.

Thứ hai, sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất (bao gồm cả cây phân tán) năm 2022 ước đạt 19.698,8 nghìn m3, vượt 6,57% kế hoạch, tăng 7,2% năm 2021. Thứ ba, thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.686,96 tỷ đồng đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022; tăng 20,6% so với năm 2021. Trong đó Quỹ Trung ương thu được 2.285 tỷ đồng, còn lại là quỹ tỉnh. Trong năm 2022, Quỹ tỉnh đã thực hiện chi 2.804 tỷ đồng tiền năm 2021 (đạt hơn 108% kế hoạch) và tạm ứng 961,24 tỷ đồng tiền năm 2022 cho các chủ rừng.

Điều này đã góp phần kích thích các chủ rừng tích cực bảo vệ rừng và nhân rộng diện tích rừng trồng. Đến nay đã có 334 chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha, đạt 48,53% so với tổng diện tích rừng được giao. Còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng phương án, 212 chủ rừng chưa có phương án với tổng diện tích khoảng 4,2 triệu ha.

Chỉ tiêu thứ tư, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Thứ năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021.

Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản chính của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tích cực và tiếp tục tăng trưởng: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu đạt 15,48 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất xuất khẩu của nhóm mặt hàng này. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%, lâm sản ngoài gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021.

Năm 2022, cả nước nhập khẩu gỗ nguyên liệu khoảng 2,82 tỷ USD, tăng 4,1%. Như vậy, ngành lâm nghiệp xuất siêu 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng và kim ngạch của toàn ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành lâm nghiệp trong năm qua vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Xuất siêu lĩnh vực lâm sản tăng cao kỷ lục
Cần gia tăng diện tích trồng rừng. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy. Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới.

Các chính sách liên quan đến đầu tư lâm nghiệp vẫn chưa hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh. Thống kê cho thấy thu nhập trên mỗi ha rừng trồng là rất thấp, chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, dẫn đến thu nhập của người trồng rừng thấp, chỉ chiếm 25% tổng thu nhập.

Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn rất ít, kinh phí nhà nước cấp hàng năm giảm, nơi có nơi không, cấp không kịp thời theo kế hoạch làm cho nhiều chủ rừng phải ký nợ tiền khoán bảo vệ rừng với người dân, mức khoán bảo vệ rừng trung bình khoảng 300 - 400 nghìn đồng/ha, trong khi nhu cầu tối thiểu phải trên 1 triệu đồng/ha.

Để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2023, và thúc đẩy phát triển rừng và lâm nghiệp trong những năm tới, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014-NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Đề nghị phê duyệt Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần gia tăng diện tích trồng rừng; hạn chế tình trạng thiệt hại rừng để vừa có nguyên liệu ở trong nước, hạn chế nhập khẩu để tránh những rủi ro về giá cả, thị trường, về xuất xứ, liên quan đến môi trường, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường, giải quyết việc làm. Đồng thời, tăng quy mô, tăng kết nối giữa các doanh nghiệp để có thể đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu với lô hàng có khối lượng lớn, phải giao trong kỳ hạn ngắn của nhiều khách hàng ở một số thị trường.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này