TP.HCM: Triển khai các giải pháp bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

17:37 | 30/12/2022
(LĐTĐ) Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) chỉ đạo các sở ngành, UBND quận huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá và thực hiện báo cáo giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát Duy trì ổn định hoạt động các Trung tâm đăng kiểm phương tiện xe cơ giới tại TP.HCM Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết

Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Thành phố thuộc thẩm quyền quản lý.

Đối với các trường hợp giá kê khai lại biến động bất thường đề nghị thông báo đến Sở Tài chính để phối hợp tổ chức các Đoàn kiểm tra, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, dịch vụ vận tải hàng khách trong dịp Tết.

Ngoài nhiệm vụ nêu trên, UBND Thành phố đề nghị Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trước, trong và sau Tết đối với các mặt hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn Thành phố, nhất là nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, đặc biệt các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, hàng hóa phục vụ Tết; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá, phí, lệ phí theo thẩm quyền.

TP.HCM: Triển khai các giải pháp bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Người dân mua hàng tiêu dùng thiết yếu tại các gian hàng hội chợ tổ chức ở TP.HCM. Ảnh: Minh Tuấn.

Sở Công Thương chủ động có phương án chuẩn bị nguồn hàng nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ mùa Tết; hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.

Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để người dân chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển; nâng cao chất lượng dịch vụ. Tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, có kế hoạch cụ thể bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhất là thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán, tránh tình trạng thiếu hàng, giá biến động đột ngột khi nguồn cung gián đoạn từ việc tái đàn. Theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi và dịch bệnh cúm gia cầm để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường.

TP.HCM: Triển khai các giải pháp bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
TP.HCM sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp để bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Minh Tuấn.

Trong khi đó, đối với Cục Quản lý thị trường, UBND TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên nhất là các địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển trái phép, chứa hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả...đặc biệt các mặt hàng lương thực thiết yếu phục vụ Tết. Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu; hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng và các hoạt động đầu cơ, tích trữ nhằm đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường để thu lợi bất chính.

Ngoài ra UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong thời gian trước, trong và sau Tết; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Hiệu quả chương trình bình ổn thị trường

Liên quan đến công tác bình ổn thị trường, theo UBND TP.HCM trong giai đoạn 2002 – 2023 Chương tình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM đã đảm bảo aon sinh xã hội, ổn định các mặt hàng thiết yếu đồng thời ưu tiên phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động tại các quận vùng ven, vùng ngoại thành, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp, khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Qua đó đã góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước. Từ 2 doanh nghiệp nhà nước, đến nay Chương trình đã huy động được 69 doanh nghiệp và 12 tổ chức tín dụng tham gia, trong đó có những thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Vissan, Sagrifood, Ba Huân, Bình Tây, Sài Gòn Food, Cholimex, Nutifood…

Tính đến năm 2022 doanh thu của Chương trình bình ổn đạt hơn 22.300 tỷ đồng. Tổng sản lượng hàng bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm lĩnh thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Riêng trong năm 2022 lượng hàng trứng gia cầm bình ổn chiếm tới 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, thịt gia súc chiếm 18,6%...

(Thành Đồng)

Trần Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này