Bộ Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế

22:01 | 19/12/2022
(LĐTĐ) Bộ Tư pháp được Chính phủ giao là cơ quan đại diện pháp lý về giải quyết các tranh chấp quốc tế, cần xây dựng được đội ngũ có thể tham gia được các vụ kiện, đảm bảo bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Diễn đàn pháp luật ASEAN năm 2022: Chia sẻ kinh nghiệm tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2023

Bộ Tư pháp đứng đầu trong các bộ, ban, ngành trong cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính

Đây là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023, do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 19/12.

Sau khi nghe các báo cáo, tham luận, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chúc mừng các kết quả ngành Tư pháp đạt được trong năm 2022, đánh giá cao Bộ Tư pháp đã có đóng góp rất quan trọng về việc rà soát văn bản, toàn ngành rà soát gần 28 nghìn các văn bản, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ gần 6.000 văn bản...

Theo Phó Thủ tướng, năm 2022, chúng ta phải thực hiện một loạt chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế, triển khai đầu tư công... Trong tất cả các vấn đề đó khi thực hiện đều có vướng mắc về thể chế, trong đó có văn bản quy định chồng chéo, thậm chí có cái khác biệt với văn bản khác...

Bộ Tư pháp cần xây dựng đội ngũ có thể tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023. (Ảnh: Hải Minh/VGP)

Điều này cũng đóng góp cho cải cách thủ tục hành chính. “Theo số liệu, Bộ Tư pháp được đánh giá đứng đầu trong các bộ, ban, ngành trong cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng đánh giá đây là thành tích rất quan trọng.

Đồng thời, Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng để Quốc hội có một chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong 5 năm - đây là lần đầu tiên đưa ra một định hướng về việc xây dựng các luật, văn bản liên quan đến luật trong 5 năm.

Bên cạnh đó, việc thi hành án dân sự nói chung và việc thi hành các án được dư luận quan tâm nói riêng, trong đó có việc thu hồi tài sản thực hiện được rất nhiều; công tác hợp tác quốc tế, hợp tác tư pháp ngày càng hiệu quả...

Theo Phó Thủ tướng, các năm vừa qua, việc phải xử lý các vụ kiện quốc tế liên quan đến bảo hộ đầu tư ngày càng nhiều, chủ yếu là Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ xử lý. Chính phủ yên tâm giao tiếp Bộ Tư pháp thực hiện việc này, đề nghị các đơn vị trong Bộ xây dựng khả năng để chúng ta có thể tham gia, chứ không thể luôn thua trong các vụ kiện này được.

Tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách

Chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Tư pháp cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tư pháp.

Bộ Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế
Toàn cảnh hội nghị.

Trong đó, tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. “Đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản. “Trong tất cả các phiên họp của Chính phủ đều yêu cầu các bộ, ngành không được nợ đọng văn bản, tình trạng nợ đọng có tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn, phải thúc giục”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực này; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ Tư pháp cần xây dựng đội ngũ có thể tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế
Toàn cảnh điểm cầu Hà Nội.

Thứ tư, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao, trong đó thi hành án hành chính còn nhiều khó khăn, là lĩnh vực Quốc hội hết sức quan tâm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thứ năm, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất. Đây là lĩnh vực hết sức mới, quan trọng, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao là cơ quan đại diện pháp lý về giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Chúng ta có nhiều hiệp định bảo vệ đầu tư, quá trình đầu tư của chúng ta có những đầu tư từ rất sớm, rất lâu, các luật về những lĩnh vực liên quan có rất nhiều thay đổi, nên các vụ kiện nếu có xảy ra rất phức tạp. Bộ Tư pháp cần tham mưu và xây dựng được đội ngũ có thể tham gia được các vụ kiện, đảm bảo bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thứ sáu, chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp, các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 98/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp để làm tốt các công việc được giao, trong đó có vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy, biên chế; đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành trong việc triển khai có hiệu quả các công việc được giao.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này