Đổi mới các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động

13:17 | 14/12/2022
(LĐTĐ) Ngày 14/12, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực LĐLĐ Thành phố với Chủ tịch LĐLĐ 30 quận, huyện, thị xã.
Nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động Công đoàn là điểm tựa vững chắc của đoàn viên, người lao động Khai mạc Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 32 khóa XII

Đồng chí Phạm Quang Thanh - Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố; Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố; lãnh đạo các Ban LĐLĐ Thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh đề nghị các đại biểu thẳng thắn chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động; trong công tác thi đua khen thưởng và trong việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Công đoàn với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và phòng, ban, ngành của địa phương… Từ đó, đề xuất các giải pháp để hoạt động công đoàn ngày càng thiết thực, hiệu quả và phù hợp với từng địa phương.

Đổi mới các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Đồng chí Phạm Quang Thanh - Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố chủ trì Hội nghị giao ban Thường trực LĐLĐ Thành phố với Chủ tịch LĐLĐ 30 quận, huyện, thị xã. Ảnh: Mai Quý

Tại Hội nghị, lãnh đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã đều khẳng định LĐLĐ Thành phố đã có sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo hoạt động rất sát với thực tiễn; đặc biệt, việc Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố ký kết Quy chế phối hợp công tác với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy đã nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn. Tại địa phương, Công đoàn đã ký kết Quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân, Thuế, Bảo hiểm xã hội… để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn như: Thu kinh phí công đoàn; phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp…

Từ thực tiễn triển khai hoạt động tại địa phương, các đại biểu đã nêu một số khó khăn, vướng mắc như: Lực lượng cán bộ tại LĐLĐ các quận, huyện, thị xã còn mỏng trong khi ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức, Công đoàn còn tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tại một số quận, huyện như Tây Hồ, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa… số lượng doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và rất nhỏ nên việc triển khai hoạt động và phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn khó; chất lượng hoạt động của một bộ phận Công đoàn cơ sở, nhất là ở những đơn vị có ít đoàn viên còn thấp…

Các đại biểu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với LĐLĐ Thành phố để có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn tại địa phương như: Có cơ chế để LĐLĐ các quận, huyện, thị xã có thêm nhân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với đặc thù của từng địa phương; có thêm các chương trình để hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh chia sẻ với những khó khăn của LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; đồng thời đề nghị Chủ tịch LĐLĐ các quận, huyện, thị xã cần có ý kiến với cấp ủy địa phương về công tác nhân sự. Cạnh đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, từ LĐLĐ Thành phố đến LĐLĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cần có sự chỉ đạo cụ thể, rõ ràng để cấp dưới dễ triển khai thực hiện.

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đề nghị các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tập trung triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, trong đó cần đặc biệt chú trọng chất lượng hoạt động của các Công đoàn cơ sở; đẩy mạnh hướng dẫn các Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết và nâng cao chất lượng các bản Thỏa ước lao động tập thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của tổ chức Công đoàn để cấp ủy, chính quyền, chủ sử dụng lao động, người lao động hiểu và ủng hộ tổ chức Công đoàn.

Liên quan đến công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đồng chí Phạm Quang Thanh đề nghị bên cạnh việc đổi mới các hoạt động chăm lo, các cấp Công đoàn cần sử dụng tối đa nguồn kinh phí để chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo đúng quy định, mục đích, đối tượng; đồng thời phối hợp với chính quyền, chủ sử dụng lao động để triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này